.
Cát xây dựng và câu chuyện phát triển bền vững đất "chín rồng"

BÀI 2: Hệ lụy từ khai thác cát trái phép

Cập nhật: 08:15, 25/05/2023 (GMT+7)

BÀI 1: Khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp

Việc khai thác cát trái phép sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó, nguy cơ sạt lở luôn rình rập, đe dọa tới đời sống người dân và sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

KHI CÁT KHÔNG VỀ

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL, cát chỉ về ĐBSCL trong những năm lũ lớn, thời gian 3 tháng, đến tháng 10 là dừng lại và chờ năm sau đi tiếp. Mỗi năm, cát di chuyển chỉ khoảng 200 km. Như vậy, khoảng 20 - 30 năm, cát mới về đến ĐBSCL.

“Các đập thủy điện trên dòng chính sử dụng lòng sông làm hồ, mỗi lòng hồ dài khoảng 100 km. Khi đó, dòng chảy ngưng ngay đầu hồ, cách đập khoảng 100 km, cát đã rớt tại đây. Do đó, dù có xả đập, cát cũng không thể nào trôi được.

Thời gian qua, tại cù lao Tân Phong, tình hình sạt lở xảy ra phức tạp.
Thời gian qua, tại cù lao Tân Phong, tình hình sạt lở xảy ra phức tạp.

Nguồn cát về ĐBSCL trong những năm qua là cát đã khởi hành trong quá khứ từ rất lâu rồi. Phần cát còn lại không thể khởi hành do đã bị các đập thủy điện chắn ngang. Như vậy, tương lai ĐBSCL sẽ không có cát và sỏi về từ thượng nguồn nữa. Cách đây 10 năm, tôi đã nói rất nhiều về tác động của thủy điện. Trong đó, cát và phù sa là vấn đề nguy hiểm nhất chứ không phải là nước” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện thông tin thêm.

Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, khai thác cát ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tạo ra một hố ở lòng sông. Theo nguyên tắc, khi dòng chảy đi qua những hố này có khuynh hướng sẽ chảy chậm lại, đôi khi là nhanh hơn.

Điều này làm cho dòng chảy thay đổi. “Lòng sông bao giờ cũng vậy, khi có khoét một chỗ thì sẽ lấp lại chỗ đó. Nếu có phù sa, cát trong dòng chảy sẽ lấp vào, còn không sẽ có khuynh hướng lấy 2 bên bờ, phía trước, phía sau để bù đắp và gây ra sạt lở.

Nếu hố đó càng gần bờ sẽ gây ra nguy cơ sạt lở càng lớn. Trước đây khi khai thác cát, phù sa sẽ mang cát ở nơi khác về; còn những năm gần đây hầu như không còn, nên việc tiếp tục khai thác cát sẽ gây ra nhiều hậu quả. Việc lấy cát san lấp 1 ha có thể làm mất ít nhất 2 ha ở nơi khác. Việc này không chỉ gây sạt lở, mất đất tại ngay nơi khai thác cát, mà còn ở nơi khác” - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn phân tích.

SẠT LỞ TẤN CÔNG

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở tại các cồn, cù lao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, xung quanh các cù lao này thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.

Những năm gần đây, tình hình sạt lở tại cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) diễn biến rất phức tạp. Ông Hồ Văn Đức (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình sạt lở tại đầu cồn Tân Phong diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, do việc khai thác cát làm dòng chảy thay đổi dẫn đến sạt lở rất nhiều. “Chính quyền địa phương và người dân chúng tôi đã dời đê 2, 3 lần rồi, nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn” - ông Đức bày tỏ.

 

Anh Nguyễn Văn Tầng (ấp Tân Thái, xã Tân Phong) cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở trong thời gian qua. Anh Tầng cho biết, vừa qua, phần đất gia đình anh bị sạt lở một đoạn dài khoảng 30 m, ăn sâu vào đất liền khoảng 13 m.

Hiện tại, gia đình anh đã mua tràm, dừa, bơm cát vô bao để gia cố lại. “Tôi và bà con xung quanh thường xuyên đuổi tàu ghe, thậm chí có cả tàu sắt hút, khai thác cát trái phép; nếu để khai thác tiếp, đoạn sông gia cố này chắc không tồn tại bao lâu. Tình trạng sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, chúng tôi mong chính quyền địa phương quyết liệt hơn đối với loại tội phạm này” - anh Tầng bức xúc.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý Dự án Cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết, để hạn chế vấn đề sạt lở tại ĐBSCL thì cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đó là việc thay đổi lượng trầm tích trong các lòng sông; cần phải quan tâm đến dòng chảy và tác động của con người lên các dòng sông.

Hiện trầm tích đổ về Tân Châu, Châu Đốc chỉ còn khoảng 20% - 25%, quy đổi ra cát khoảng 7 - 8 triệu tấn cát/năm. Với con số này, nếu chúng ta khai thác quá 7 triệu tấn cát/năm thì sẽ dẫn đến việc thiếu cát. Điều này sẽ tạo ra những hố sâu nơi dòng sông, thay đổi vận tốc dòng chảy gây ra sạt lở đáy dòng sông.

Hệ quả cuối cùng là sạt lở các bờ sông thời gian qua. Thay vì khai thác cát dựa trên trữ lượng cát có ở đáy sông thì cần xem xét khai thác cát dựa vào lượng cát đổ về để đảm bảo rằng lượng cát này có thể bồi lấp ngay những hố sau khi khai thác.

Tương tự tại khu vực cù lao Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), người dân cũng phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép làm sạt lở bờ sông nơi đây.

Ông N.T.B. (ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh) cho biết: “Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên vào ban đêm. Thời gian gần đây, những đối tượng khai thác cát ngày càng lộng hành hơn. Hậu quả nhiều đoạn ở Cồn Bà đã sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm khiến người dân ở đây ai cũng rất bức xúc”.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tại huyện Tân Phú Đông, người dân cũng phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở trên địa bàn huyện. Theo đó, cử tri N.T.L. phản ánh và bày tỏ lo lắng tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, 2 bên bờ ao nuôi tôm của gia đình với diện tích khoảng nửa công đất đã bị sạt lở. Vị trí sạt lở chỉ còn cách bờ ao nuôi tôm 2 m. Ngoài ra, cử tri còn cho biết, từ ấp Bãi Bùn chạy dọc xuống ấp Giồng Keo (xã Phú Thạnh) có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Cử tri cho rằng, do tình trạng khai thác cát trái phép và nhiều ghe cát về đây “sang mạn”, lực đẩy của bơm nước khiến việc sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn.

H. LONG - A. THƯ

(còn tiếp)

.
.
.