.

Khẩn trương trên công trình cầu Rạch Miễu 2

Cập nhật: 08:34, 01/05/2023 (GMT+7)

Những ngày qua, các gói thầu Dự án Cầu Rạch Miễu 2 khẩn trương thi công; hàng trăm công nhân làm việc xuyên đêm cùng với máy xúc, máy ủi… nhằm đảm bảo tiến độ thi công.

ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ THI CÔNG

Theo ghi nhận của phóng viên, tại gói thầu XL-04 thi công cầu Mỹ Tho và đường dẫn 2 đầu cầu Dự án Cầu Rạch Miễu 2, do Công ty CP Xây lắp 368  thi công, hàng trăm công nhân làm việc khẩn trương, máy móc thiết bị hoạt động liên tục, hàng trăm lượt xe bê tông ra vào công trình.

Chỉ huy trưởng công trình Nguyễn Cao Cường cho biết, phía Bến Tre, việc triển khai cọc khoan nhồi đạt 100% khối lượng, tiến độ gói thầu cầu Mỹ Tho này đã đạt được 37%, các gói mố 39, mố A9, trụ B1, trụ B8 cũng đã hoàn thành. “Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu bố trí lực lượng làm việc tăng ca, làm cả những ngày nghỉ Lễ 30-4 và 1-5. Đặc biệt, tại bệ trụ có hàng chục công nhân làm việc xuyên đêm lắp thùng chụp và hạ thùng chụp cho kịp tiến độ” - ông Cường cho biết thêm.

Thi công xuyên đêm  trên công trình cầu Rạch Miễu 2.
Thi công xuyên đêm trên công trình cầu Rạch Miễu 2.

Công nhân Công ty CP Xây lắp 368 Lưu Trường Sơn (ngụ tỉnh Nghệ An) cho biết, thời gian này nắng gay gắt, công việc lại thực hiện trên sông nên khá vất vả. Mặc dù lễ không về, làm việc tăng ca, xuyên đêm nhưng anh em ai nấy cũng quyết tâm hoàn thành kịp tiến độ của công ty.

Giám đốc điều hành Dự án Cầu Rạch Miễu 2 Đặng Ngọc Minh cho biết, cho tới thời điểm này nhiều gói thầu thi công đạt tiến độ cao, 3 gói chính khởi công năm 2022 đạt trên 30%. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận khuyến khích các đơn vị nhà thầu triển khai các công tác thi công xuyên suốt trong dịp nghỉ Lễ 30-4 và 1-5. Ban Tư vấn giám sát vẫn trực xuyên lễ. Công ty cũng tính thêm tiền tăng ca, bồi dưỡng dịp lễ nên tinh thần công nhân trên công trường phấn khởi, quyết tâm, các ca kíp hoạt động liên tục nên cơ bản đảm bảo tiến độ cho đến thời điểm này. Dự kiến đến cuối tháng 12-2023, dự án sẽ hợp long cầu Mỹ Tho nối bờ Bến Tre với xã Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang)

GỠ KHÓ VỐN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Theo ông Đặng Ngọc Minh, khó khăn nhất của đơn vị thi công là nguồn vật liệu và sự xâm nhập mặn, tập kết vật liệu bơm ra công trình dễ ảnh hưởng đến nông nghiệp của người dân. Nguồn vật liệu cho công trình phía bờ Bến Tre đang khan hiếm. Hiện tại, Bến Tre có 5 mỏ cát nhưng các mỏ này đều không đảm bảo chất lượng và thủ tục quy hoạch để phục vụ công trình. Bên cạnh đó, việc mặt bằng bàn giao chưa sạch của các địa phương (điện, nước, cáp…) nên thi công kiểu cuốn chiếu dẫn đến nhiều hạng mục còn chậm tiến độ.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, cho đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Cầu Rạch Miễu 2 của địa phương đạt khoảng 98%. Hiện chỉ còn một số ít hộ chưa bàn giao mặt bằng. Đối với những hộ này, sắp tới UBND tỉnh Bến Tre cùng các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động cho người dân thấu hiểu, đồng tình bàn giao mặt bằng cho dự án.

Còn về phía Tiền Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Tươi cho biết, đến nay, Sở TN&MT đã thực hiện chi trả được 421/922 hộ ảnh hưởng dự án, đạt 45%. Cụ thể, địa bàn TP. Mỹ Tho, đơn vị chức năng đã phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư với số vốn hơn 686 tỷ đồng; cụ thể đã chi trả được 404/435 hộ. Về công tác bàn giao mặt bằng, tính đến ngày 17-4, toàn dự án đã bàn giao được 88.483 m2, đạt 44%. TP. Mỹ Tho có số hộ nhận tiền bồi thường đạt 92,9%; các hộ dân chưa nhận tiền chủ yếu là do pháp lý chưa đảm bảo. Do đó, các hộ dân nên tiếp tục hoàn thiện pháp lý để nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Theo đồng chí Võ Văn Tươi, việc bàn giao mặt bằng Dự án Cầu Rạch Miễu 2 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tương đối thuận lợi, chủ yếu là các hộ dân vướng về pháp lý như: Mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay... Đối với địa phận huyện Châu Thành, địa phương đã thực hiện kê biên, áp giá xong, nhưng Sở TN&MT chưa đề nghị huyện Châu Thành phê duyệt phương án do thiếu vốn. Toàn dự án đi qua địa bàn huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho đã được Sở TN&MT áp giá với tổng mức GPMB là 2.079 tỷ đồng. Đồng thời, theo khung chính sách của Trung ương đã phê duyệt chỉ có 822 tỷ đồng, như vậy cần bổ sung khoảng 1.257 tỷ đồng để thực hiện cho GPMB.

Việc thiếu vốn này, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để ứng vốn thực hiện chi trả cho các hộ dân. Các hộ dân đã đồng thuận rất cao, nhưng tỉnh đang gặp khó khăn do thiếu vốn. “Hiện tại, tỉnh Tiền Giang đang chờ vốn, chứ không phải thực hiện công tác GPMB chậm. Hiện công tác chi trả tiền rất thuận lợi. Về việc tăng vốn GPMB, theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đơn vị đã báo cáo với Bộ GTVT trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư. Việc ứng vốn, tỉnh Tiền Giang có đề nghị nhưng Bộ GTVT chưa có phản hồi. Khi có kinh phí từ cơ quan Trung ương phân bổ về, UBND huyện Châu Thành sẽ phê duyệt phương án bồi thường GPMB và tiến hành chi trả cho các hộ dân đảm bảo theo quy định” - đồng chí Võ Văn Tươi thông tin thêm.

Trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với địa phương tổ chức vận động các hộ dân chưa nhận tiền đồng ý nhận tiền; phối hợp với địa phương tổ chức làm việc với các hộ dân đã nhận tiền để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, khi UBND huyện Châu Thành phê duyệt phương án và kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai Quyết định và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định trên địa bàn huyện. Ngoài ra, khu tái định cư dự án dự kiến trong tháng 4-2023, UBND TP. Mỹ Tho sẽ ban hành thông báo thu hồi đất.

HOÀNG LONG

.
.
.