BÀI 1: Nhất cận thị, nhị cận giang…
Với địa thế do thiên nhiên ban tặng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Tiền Giang nói riêng, có hệ thống sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, ngoài đáp ứng nhu cầu giao thông, còn là nguồn sinh kế của bao thế hệ. Là một khái niệm dường như mới mẻ, nhưng khi nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển, kinh tế sông thực chất đã gắn chặt với đời sống của người dân ĐBSCL từ bao đời nay.
Trong dòng chảy của lịch sử, con sông, bến nước đã gắn chặt với sinh kế người dân vùng châu thổ. Nó không chỉ là nơi để mưu sinh, mà còn mang đậm nét văn hóa, tinh thần của bao thế hệ người dân ĐBSCL.
GẮN CHẶT VỚI ĐỜI SỐNG
Người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” đã hàm chứa ý nghĩa quan trọng của hệ thống sông ngòi, kinh, rạch trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với vùng đất trù phú ĐBSCL. Mới đây, “8 chữ G” (bao gồm: Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới) được đưa ra tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục mở ra hướng vận dụng mới trong thực tiễn cho vùng đất “chín rồng”. Chữ G thứ ba là “Giang”, tức là sông, được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với cả vùng; bởi ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế của nhiều thế hệ người dân nơi đây gắn liền với các con sông.
Sông Tiền, một trong những dòng sông quan trọng mang lại nguồn lợi lớn cho ĐBSCL (ảnh: Cù lao Tân Long - TP.Mỹ Tho trên sông Tiền). Ảnh: MINH THÀNH |
Là người am hiểu về đường sông Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Trần Đỗ Liêm cho rằng, nếu xét về khía cạnh giá trị của sông ngòi, điều trước tiên là nó tác động đến đời sống con người. Bởi trên thực tế, hầu như tất cả các thành phố, thị tứ đều nằm cạnh sông. Theo ông Trần Đỗ Liêm, ở thời kỳ làm ăn đơn giản, con sông đóng góp lớn cho đời sống con người nên bao giờ 2 bên bờ sông, cư dân cũng đông đúc. Sông đi đến đâu con người đi đến đó và kinh tế cũng được sinh ra từ đó. Vì lẽ đó, con sông bao giờ cũng trở nên nguồn sản sinh và hội tụ của cuộc sống con người.
“Ngoài yếu tố này, con sông còn là mạch nguồn chính cho lưu thông, muốn qua sông phải lụy đò, chưa kể tạo ra nguồn sống từ thủy sản hay thủy lợi. Tuy nhiên, để phát triển, con người không ngừng khai thác lợi thế sông ngòi để phục vụ cho chính cuộc sống của mình và cộng đồng. Thế nhưng, khi kinh tế sông bắt đầu được tính toán còn phải dựa trên nhiều phương diện khác” - ông Trần Đỗ Liêm cho biết.
Theo nghiên cứu của tác giả Phan Khánh, từ năm1884 trở đi, thực dân Pháp mới tương đối rảnh tay và tư bản Pháp mới tin tưởng bỏ vốn khai thác Nam bộ. Vùng đất Pháp tập trung khai phá lúc này là Cần Thơ - Bạc Liêu - Rạch Giá, đất đai màu mỡ, không bị ngập lũ, ít bị chua phèn. Theo tài liệu của thực dân Pháp, từ năm 1880 - 1890, Pháp đã đào được 2,1 triệu m3 đất kinh, rạch, kết quả đã tăng được 169 ngàn ha đất canh tác so với thời triều Nguyễn. Phần lớn là nạo vét mở rộng các kinh sẵn có. Những kinh đào đáng kể chỉ có: Ba Lăng, Cái Côn, Bốc Kiêng, Kế Sách, Thạnh Lợi, Bà Tích, Trà Nóc, Ông Trương, Cái Mương, Xà No... Thực ra, giai đoạn này chỉ lợi đâu đào đấy, không có một quy hoạch chuyên môn nào cả. Kinh đào đến đâu là dân nghèo tự động kéo đến, cất lều trên bờ kinh, khai đất hoang thành ruộng. Ruộng đất tăng lên nhanh chóng. Khi Toàn quyền Paul Doumer thay De Lanessan càng ra sức đẩy mạnh công việc đào kinh. Ngày 8-9-1900, thành lập một hội đồng gồm các kỹ sư công chính, các tỉnh trưởng đại diện các điền chủ người Pháp để nghiên cứu một chương trình đào kinh cho toàn ĐBSCL. Nhưng nhiệm vụ của Hội đồng được nhấn mạnh “cải tạo kinh rạch hiện có là thượng khẩn”. Chứng tỏ trước khi Pháp chiếm, nhân dân Nam bộ đã đào rất nhiều kinh, rạch. Những con kinh đó vẫn có giá trị khoa học dưới con mắt của các kỹ sư người Pháp. Chương trình này được duyệt vào tháng 11-1900. Năm 1901, thành lập Công ty “Đào sông và các việc chính Đông Dương” để thực hiện. Vào tháng 11-1903, Hội nghị các quan chủ tỉnh toàn Nam kỳ lại họp, bổ sung thành một chương trình quy mô và toàn diện hơn. Chi tiêu cho kế hoạch này hằng năm gồm 2 triệu francs từ ngân sách Đông Dương và 240 ngàn francs trích ở ngân sách Nam kỳ. Từ chương trình này, hàng loạt kinh ở ĐBSCL được đào mới hoặc mở rộng: Lấp Vò, Cổ Chiên, Chợ Gạo, Phụng Hiệp, Phổ Dương, Xẻo Von, Cái Lớn, Rạch Giá - Hà Tiên… Kể từ khi Pháp chiếm đóng cho đến năm 1930, khối lượng đào kinh bằng tàu cuốc ở ĐBSCL là 155 triệu m3, khối lượng được gia tăng đều đặn hằng năm, không kể hàng bao nhiêu triệu m3 do chúng bắt dân ta đào bằng tay. |
Thật ra, khái niệm kinh tế sông cũng mới được đưa ra bàn thảo chính thức trong những năm gần đây với mục tiêu tận dụng và khai thác tốt nhất lợi thế của ĐBSCL. Tiếp tục bàn về kinh tế sông của ĐBSCL, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Kinh tế sông ở ĐBSCL: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Học viện Chính trị khu vực IV, Trường Đại học Cần Thơ và Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam phối hợp tổ chức đầu tháng 8-2022, TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng, khái niệm kinh tế sông mới được nêu ra gần đây nhưng hoạt động kinh tế khai thác nguồn lợi từ sông nước đã tồn tại rất lâu. Sông nước là một đặc trưng tự nhiên và nổi bật ở ĐBSCL. Từ xưa đến nay, hầu như mọi hoạt động sống của cư dân nơi đây đều gắn với sông nước.
Không có sông nước thì không có miền Tây Nam bộ, vì vậy kinh tế sông (bao gồm các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sông nước, không gian sông nước) có một vai trò quan trọng, nó tạo ra nhiều nghề nghiệp, sản phẩm đặc trưng của vùng đất. Tuy nhiên, kinh tế sông ĐBSCL hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường và nhiều yếu tố bất định khác.
“ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, được hình thành bởi 2 hệ thống sông chính là sông Tiền và sông Hậu với tổng chiều dài các tuyến 14.826 km; trong đó, đường thủy nội địa quốc gia khoảng 2.882 km, đường thủy nội địa địa phương 11.944 km. Đây là khu vực có mật độ đường thủy nội địa cao nhất cả nước, có nhiều ưu thế để kết nối với đường biển, đường bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng”- TS. Phan Công Khanh cho biết.
KHỞI NGUỒN NHỮNG DÒNG KINH
Thế nhưng, để có được mạng lưới sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt như hiện nay, ngoài yếu tố tự nhiên còn là thành quả khai phá trong một chặng đường rất dài, của nhiều thế hệ. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Nam bộ là cửa ra của con sông xếp vào loại lớn thứ 10 thế giới - sông Mê Kông. Trong phần chảy qua Nam bộ từ hơn 3 thế kỷ qua, ông cha ta đã cải tạo, chinh phục nó và đặt tên là Cửu Long. Sông Mê Kông vào biên giới Việt Nam qua 2 dòng Tiền Giang và Hậu Giang.
Thực tế cho thấy, hướng chảy và sự chia nhánh của những dòng sông này trên ĐBSCL thật khá rắc rối, nhưng cái rắc rối đó đã mang nhiều thuận lợi, chia nước đi sâu, tỏa rộng trên bề mặt châu thổ, khi ít nước cũng như khi lũ lụt. Ngoài chín dòng Cửu Long, trên đồng bằng châu thổ còn nhiều kinh, rạch nội đồng, với quy mô và lịch sử hình thành khác nhau.
Kinh Bảo Định có ý nghĩa quan trọng về kinh tế đối với Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành |
Nghiên cứu kỹ cho thấy, hệ thống thủy lợi của ĐBSCL cũng mang lại nhiều giá trị. Trong quyển Nam bộ 300 năm làm thủy lợi, tác giả Phan Khánh đã chỉ ra khá tường tận về hành trình khai mở hệ thống sông ngòi, kinh, rạch của ĐBSCL từ thời khai khẩn, giai đoạn thực dân Pháp khai thác Nam bộ bằng thủy lợi, thủy lợi Nam bộ từ sau cách mạng Tháng Tám 1945 cũng như những giai đoạn sau này cho đến nay. Trải qua từng giai đoạn, việc đầu tư, khai thác thủy lợi Nam bộ có những đặc trưng riêng. Nếu như giai đoạn của triều Nguyễn, dấu ấn đầu tiên gắn với việc đào kinh Vĩnh Tế, thì giai đoạn Pháp chiếm đóng Nam bộ, nhiều dòng kinh đào cũng được ra đời với mục đích khai thác vùng đất trù phú này.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt giai đoạn 1988 - 1995, thủy lợi ĐBSCL có bước chuyển biến mạnh mẽ. Theo tác giả Phan Khánh, năm 1988 Chính phủ ban hành Chỉ thị 74 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong kế hoạch 1988 - 1990”, sau đó mở rộng sang cả vùng Tứ giác Long Xuyên. 2 vùng mới trở thành trọng điểm đầu tư thủy lợi ĐBSCL, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Đồng Tháp Mười, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Trưởng ban.
Trong các năm tiếp theo, công tác thủy lợi không chỉ Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mà toàn vùng ĐBSCL phát triển với tốc độ cao, giải quyết từng mục tiêu cho từng khu vực cụ thể. Từ đó, nhiều tuyến kinh mới tiếp tục ra đời: Kinh Tân Thành - Lò Gạch, An Bình nối sông Tiền với trục dọc Phước Xuyên, đào và mở rộng kinh Tổng đốc Lộc cũ thành kinh Nguyễn Văn Tiếp - Rạch Chanh, kinh Đồng Tiến - Bắc Đông…; tiếp theo là hàng loạt kinh dọc (kinh cấp 2) được tiếp nối. Nếu tính tổng cộng từ năm 1976 đến năm 1995, toàn vùng đã đào đắp khoảng 300 triệu m3 đất…
Trải qua chiều dài lịch sử, hệ thống sông ngòi, kinh, rạch ĐBSCL tiếp tục được đầu tư, mở rộng, trở thành nguồn lực lớn trong sinh kế của người dân vùng châu thổ trù phú này. Từ nền tảng quan trọng như thế, kinh tế sông cũng dần được định hình và phát huy hiệu quả.
NHÓM PVKT
(còn tiếp)