Thứ Hai, 15/05/2023, 09:49 (GMT+7)
.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế Tiền Giang

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều nét nổi bật. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Mới đây, Tiền Giang đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trong đó có những vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN

Trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 281 doanh nghiệp thành lập mới, đạt gần 34% so với kế hoạch. Tiền Giang đã hoàn thành việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động theo Nghị quyết 11, ngày 30-1-2022 của Chính phủ; Trong đó, gia hạn, miễn giảm và thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền 1.027 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ các gói hỗ trợ hơn 1.247 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi dịch bệnh được kiểm soát đã có sự phục hồi tích cực trong năm 2022.

Quang cảnh Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Tiền Giang.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện 4 tháng đầu năm 2023 là 1,195 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu 4 tháng là 700,7 triệu USD. Vốn ngân sách nhà nước tiếp tục triển khai theo kế hoạch đầu tư công năm 2023, với tổng vốn 5.295 tỷ đồng cho 318 dự án, công trình (chuyển tiếp 202 dự án, khởi công mới 116 dự án). Giá trị giải ngân tháng 4-2023 được 500 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm được 1.906 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch, tăng 40% so cùng kỳ. Đầu tư công của tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Tiền Giang đã thu hút được 5 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.902 tỷ đồng, bằng về số dự án, vốn đăng ký tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Các ý kiến của Đoàn công tác Chính phủ đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm đến Tiền Giang trong việc xây dựng TX. Gò Công trở thành TP. Gò Công”.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN VĂN VĨNH

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của Tiền Giang hiện nay là vấn đề nhà ở xã hội. Hiện toàn tỉnh đang thực hiện 23 dự án về nhà ở (trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội), với tổng diện tích đất hơn 152 ha, gồm 7.261 căn hộ. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tiền Giang dự kiến tiếp tục triển khai 73 dự án kinh doanh bất động sản với quy mô khoảng 1.379 ha.

Song, hiện đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội còn ít, 20% số lượng căn hộ để cho thuê đến nay không có đối tượng đăng ký thuê. Trong khi đó, một số đối tượng có thu nhập thấp có hộ khẩu tại nông thôn có nhu cầu mua nhà ở nhưng theo quy định thì không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội. Cụ thể như Dự án Chung cư Victoria Premium (phường 3, TP. Mỹ Tho) đã được đưa vào sử dụng từ năm 2021 gồm 203 căn hộ chung cư; trong đó, 172 căn nhà ở xã hội để bán và cho thuê, nhưng đến nay chỉ có 120 đối tượng ký hợp đồng mua bán nhà ở. Còn riêng Dự án Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tân Hương được khởi công từ năm 2016, nhưng đến nay dự án chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Mặt khác, đối tượng mua nhà của dự án là công nhân tại Khu công nghiệp Tân Hương và các khu công nghiệp lân cận, tuy nhiên phần lớn công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp có nhà ở tại các khu vực lân cận và doanh nghiệp có xe đưa, rước công nhân. Do đó, số lượng đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội ít. Hay đối với Dự án Thiết chế của Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An (TP. Mỹ Tho) thực hiện rất chậm do có phần liên quan pháp lý trong việc giao đất để thực hiện dự án.

Còn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, dẫn đến doanh nghiệp thiếu nguồn vốn làm chậm tiến độ triển khai dự án…

KIẾN NGHỊ VÀ THÁO GỠ

Tiền Giang kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung Luật Biển Việt Nam 2012; trong đó, có quy định dự án điện gió được hưởng ưu đãi đầu tư khi chủ đầu tư được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển. Việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay chưa thể giúp doanh nghiệp vì gói cho vay chỉ thực hiện giảm một vài tháng đầu kỳ vay, thời gian còn lại lãi suất sẽ điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi thời điểm. Do vậy, Tiền Giang kiến nghị Chính phủ ban hành gói cho vay hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Tiền Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho tỉnh Tiền Giang để có cơ sở cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 2; đồng thời cũng là để tỉnh có đủ chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp để tiếp tục mời gọi đầu tư Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 3…

Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang là chủ đầu tư 2 Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2 có tổng công suất 150 MW với mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là ngành nghề được đặc biệt ưu đãi đầu tư và được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (huyện Gò Công Đông) và đặc biệt khó khăn (huyện Tân Phú Đông) theo quy định tại Nghị định 31, ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Do đó, 2 dự án trên thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định 46, ngày 15-5-2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, diện tích giao sử dụng khu vực biển khoảng 628 ha (cho 2 dự án) nhưng không được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư do Luật Biển Việt Nam 2012 và Nghị định 11, ngày 10-2-2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển không có quy định được hưởng ưu đãi.

Đối với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Tiền Giang kiến nghị ban hành Quy định về an toàn công trình xây dựng, Quy định về môi trường, Quy định về phòng, chống cháy, nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để thống nhất thực hiện chung trên toàn quốc.

Riêng Bộ Công thương ban hành quy định và hướng dẫn trình tự, thủ tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điện gió, điện mặt trời. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh kiến nghị xem xét, sớm hỗ trợ tỉnh hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2 của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu để có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

Để nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chiều 12-5, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những kết quả tăng trưởng trong quý I và 4 tháng đầu năm của tỉnh Tiền Giang, đóng góp lớn về sự tăng trưởng chung của cả nước. Đặc biệt, đầu tư công của Tiền Giang là điểm sáng, tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình của cả nước, trong khi các địa phương khác đang gặp khó khăn ở vấn đề này. Tuy nhiên, Tiền Giang vẫn còn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, nhà ở xã hội, tiêu thụ xuất khẩu.

Chia sẻ với những vướng mắc của Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị thông tin, trong dự thảo Luật Nhà ở sẽ bỏ quy định về hộ khẩu khi mua nhà ở xã hội và bỏ quy định dành 20% trong quỹ đất nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Tất cả những thay đổi này nhằm hướng tới an sinh xã hội, người thu nhập thấp có nhà ở khang trang. Đồng chí yêu cầu Tiền Giang chú trọng đến công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đảm bảo tính đồng bộ và chất lượng, có tầm nhìn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư công, đầu tư xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; tìm hướng tăng giá trị xuất khẩu và kích thích tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Với những kiến nghị vượt thẩm quyền của Đoàn công tác, đồng chí yêu cầu đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc tổng hợp để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền.

VĂN THẢO

.
.
.