.

Tiền Giang: Quản lý chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Cập nhật: 09:41, 15/05/2023 (GMT+7)

Để đảm bảo việc xuất khẩu trái cây bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang triển khai các giải pháp quản lý, giám sát tình hình sử dụng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG).

HỦY 450 MSVT KHÔNG ĐẢM BẢO THEO QUY ĐỊNH MỚI

Thời gian qua, công tác cấp MSVT cây ăn trái, MSCSĐG trái cây phục vụ xuất khẩu được tỉnh Tiền Giang rất chú trọng. Các ngành liên quan và địa phương đã đẩy mạnh công việc này và đạt nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy xuất khẩu trái cây của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. 

 Ngành Nông nghiệp đang triển khai các giải pháp để quản lý chặt việc sử dụng MSVT, MSCSĐG.
Ngành Nông nghiệp đang triển khai các giải pháp để quản lý chặt việc sử dụng MSVT, MSCSĐG.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã giao 281 vùng trồng và 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số về cho địa phương quản lý, giám sát theo quy định. Trong năm 2021 - 2022, Sở NN&PTNT đã tiến hành rà soát đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã hủy 450 MSVT và MSCSĐG không đảm bảo theo quy định mới của các nước nhập khẩu hoặc đã ngừng hoạt động.

Cụ thể là đã hủy 414 MSCSĐG, chủ yếu là các vựa buôn bán nhỏ lẻ chủ động xin nghỉ, không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang ngành nghề khác; các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu đóng gói xuất khẩu như an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm đóng gói không được thu mua từ vùng trồng, không đảm bảo truy xuất nguồn gốc… Đồng thời, hủy 36 MSVT do chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động, hủy theo yêu cầu của người đại diện mã số; các vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu...

Từ kết quả giám sát trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ công tác cấp MSVT, MSCSĐG bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số phục vụ xuất khẩu; chấp hành các quy định của nước nhập khẩu, sản xuất theo hướng an toàn; cách thiết lập MSVT, MSCSĐG thành phần hồ sơ minh bạch đầy đủ; kiểm tra giám sát định kỳ chặt chẽ...

Tính đến thời điểm hiện tại, có 271 MSVT cây ăn trái được cấp với diện tích 20.051 ha, gồm: 70 MSVT mít, với diện tích 8.519 ha; 77 MSVT thanh long, diện tích 6.090 ha; 32 MSVT xoài, diện tích 1.579 ha; 12 MSVT vú sữa, diện tích 73 ha; 5 MSVT dưa hấu, diện tích 819 ha; 3 MSVT chôm chôm, diện tích 389 ha; 2 MSVT nhãn, diện tích 121 ha; 66 MSVT sầu riêng, diện tích 2.401 ha; 4 vùng trồng bưởi, diện tích 60,35 ha và 257 MSCSĐG. Các mã số trên đảm bảo thực hiện đúng theo quy định, chưa có trường hợp phải hủy hoặc thu hồi.

QUẢN LÝ CHẶT

Việc thiết lập MSVT cây ăn trái, MSCSĐG trái cây phục vụ xuất khẩu hiện là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu. Khi được cấp MSVT, MSCSĐG giúp nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch. Điều này góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Toàn tỉnh có 66 MSVT sầu riêng với diện tích 2.401 ha.
Toàn tỉnh Tiền Giang có 66 MSVT sầu riêng với diện tích 2.401 ha.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả về công tác quản lý MSVT, MSCSĐG, ngành Nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái cây xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp như: Quản lý dịch hại, bao trái, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các MSVT đã cấp trên địa bàn tỉnh và có báo cáo kết quả giám sát gửi Cục BVTV hủy mã số đối với vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động; thu hồi mã số đối với vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về yêu cầu cấp MSVT.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tới đây, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số; trong đó, trọng tâm là hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mục tiêu là tiến tới sản xuất theo hướng GAP.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới MSVT cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch đối với các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cơ quan chức năng của ngành thường xuyên theo dõi, liên hệ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân trong vùng được cấp mã số nhằm kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đồng thời, khuyến khích nông dân mở rộng, liên kết sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh tạo vùng sản xuất cung cấp hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến.

ANH THƯ

.
.
.