Xuất khẩu gạo tăng kỷ lục, nhưng doanh nghiệp vẫn thua lỗ
Trong khi kết quả xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch lẫn giá bán bình quân thì báo cáo của doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này cho thấy lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí lỗ. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thua lỗ?
Xuất khẩu gạo tăng mạnh, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Ảnh: Trung Chánh |
Xuất khẩu tăng cao, nhưng lợi nhuận đi xuống
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kết quả xuất khẩu gạo tháng 4-2023 của Việt Nam khoảng 1,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 574 triệu đô la Mỹ, tăng 14,4% về lượng và 12,8% về giá trị so với tháng trước và lần lượt tăng 98,1% về lượng và 108,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả nêu trên đã đưa luỹ kế xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay đạt 2,95 triệu tấn với kim ngạch 1,55 tỉ đô la, tăng 43,6% về lượng và 54,5 về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 526 đô la Mỹ/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh xuất khẩu gạo khả quan cả về khối lượng, kim ngạch lẫn giá bán, không ít doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đang sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Cụ thể, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của quí đầu năm 2023 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng quí đầu năm 2023 chỉ đạt 1,1 tỉ đồng, giảm 3,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quí đầu năm 2023 đạt 8,5 tỉ đồng, giảm 18,6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long – ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng lỗ trên 55,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; mức lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất lỗ trên 81,2 tỉ đồng trong quí đầu năm 2023 so với cùng kỳ.
Tương tự, quí đầu năm 2023, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) có mức lợi nhuận sau thuế lỗ trên 7,1 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm
Báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc lợi nhuận sụt giảm, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do lãi vay ngân hàng quí đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng nhấn mạnh lợi nhuận sau thuế của đơn vị này sụt giảm là do lãi vay ngân hàng tăng.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, xác nhận tình hình kinh doanh thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp ngành lương thực diễn ra khá phổ biến trong quí đầu năm nay, bất chấp khối lượng, kim ngạch lẫn giá bán đều tăng mạnh.
Theo ông Thành, doanh nghiệp ký hợp đồng trước giao hàng sau, trong khi chân hàng của kho dự trữ không có đã tạo ra những rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi giá hàng hoá trong nước liên tục tăng cao. “Ví dụ, doanh nghiệp ký hợp đồng bán cho khách hàng với giá 500 đô la Mỹ/tấn nhưng kho dự trữ chưa có hàng, trong khi đó, đến lúc trả đơn hàng, thì giá nội địa tăng đến mức tương đương 500-510 đô la Mỹ/tấn, khiến doanh nghiệp bị rủi ro thua lỗ”, ông Thành dẫn chứng.
Theo ông, với những doanh nghiệp có một lượng hàng tồn kho nhất định rồi mới ký hợp đồng xuất khẩu, tuy phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng để duy trì lượng hàng tồn kho đó, nhưng chịu rủi ro do tăng giá của thị trường nội địa ít hơn, hay nói cách khác, rủi ro chịu thua lỗ cũng ít hơn. “Bởi, so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng của lãi suất trong quí đầu năm 2023 chỉ khoảng 2-3%, trong khi chênh lệch giá gạo nội địa đã lên đến 12-15%”, ông Thành giải thích.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, vào thời điểm cuối năm ngoái đầu năm 2023, do lãi suất vay được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng nên đa phần doanh nghiệp ngành gạo lúc bấy giờ đã đẩy mạnh kéo giảm lượng tồn kho nhằm tránh áp lực lãi vay. “Tuy nhiên, do năm nay biến động giá nội địa ngoài dự đoán, trong khi doanh nghiệp tranh thủ ký hợp đồng trước, cho nên, đến khi giao hàng đã bị động, dẫn đến thua lỗ”, ông giải thích.
Mức chênh lệch giá mua bán gạo của thị trường nội địa quá lớn so với mức chênh lệch của lãi vay ngân hàng là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh ảm đạm, thậm chí thua lỗ của doanh nghiệp ngành hàng lương thực trong quí đầu năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Công ty Phước Thành IV, doanh nghiệp cần cân đối, mua đủ lượng gạo tồn kho, ít nhất phải chiếm 50-60% khối lượng hợp đồng đã ký để tránh rủi ro. “Bây giờ, trong kho chỉ có 1.000 tấn, mà ký hợp đồng 10.000-20.000 tấn, thì làm sao tránh được rủi ro khi giá nội địa liên tục tăng cao như thực tế đã diễn ra kể từ đầu năm đến nay”, ông nói. Nhưng ông Thành cũng cho rằng, trường hợp giá thị trường nội địa sụt giảm thì những doanh nghiệp có chiến lược “mạo hiểm” này sẽ lãi đậm.
(Theo thesaigontimes.vn)