.

Xuất siêu kỷ lục sau 4 tháng: Mừng hay lo?

Cập nhật: 14:10, 20/05/2023 (GMT+7)

4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất siêu 6,35 tỷ USD, cao gần gấp 3 so cùng kỳ và là mức xuất siêu cao kỷ lục những năm gần đây. Tuy nhiên, con số này vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo ngại.

Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.

Xuất siêu kỷ lục do đâu?

Theo thống kê của Bộ Công thương, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,51 tỷ USD, nâng xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).

Đây là giá trị xuất siêu kỷ lục của kỳ 4 tháng từ trước đến nay và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng GDP giảm tốc bất ngờ và dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân suy giảm so với cùng kỳ. Kết quả xuất siêu lớn trong 4 tháng đầu năm nay đã góp phần hạn chế mức giảm tốc của tăng trưởng kinh tế, cũng như hỗ trợ thị trường ngoại hối nhiều hơn nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Thực tế, tiền đồng có xu hướng tăng giá so với đô-la Mỹ từ đầu năm đến nay là minh chứng rõ nhất. Tuy nhiên, kết quả xuất siêu của 4 tháng qua có không ít vấn đề đáng lo ngại.

Thứ nhất, số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay giảm 13,6% so cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 210,8 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 16,6%). Riêng tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so tháng trước và giảm 18,8% so cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu hàng hóa, những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so tháng trước và giảm 17,1% so cùng kỳ năm trước.

Như vậy, những khó khăn trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta, khiến cho việc bán hàng hóa ra nước ngoài gặp khó khăn. Trong bối cảnh lạm phát khiến các thị trường thắt chặt chi tiêu, dự kiến, xuất khẩu sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn trong thời gian tới.

Về phía các mặt hàng chủ lực, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến thị trường thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản chịu tác động sụt giảm từ ngay trong quý 1/2023. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy, đặc biệt là suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có nguy cơ giảm sút trong năm 2023 này.

Thứ hai, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,1%). Kim ngạch nhập khẩu của các khối doanh nghiệp đều có sự sụt giảm. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, giảm đến 18% so cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất giảm.

Như vậy, con số xuất siêu kỷ lục của 4 tháng qua là do cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, trong đó nhập khẩu giảm sâu hơn. Điều này sẽ còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn với hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp xuất khẩu xác định phải đa dạng hóa sản phẩm.
Doanh nghiệp xuất khẩu xác định phải đa dạng hóa sản phẩm.
 
Tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Khó khăn chung của kinh tế thế giới và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước trên thế giới được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí có thể gay gắt hơn trong thời gian tới. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2022.

Thực tế, hàng loạt giải pháp khai phá điểm nghẽn đầu ra cho sản xuất và xuất khẩu đã được ngành Công thương tính đến. Trong đó, Bộ Công thương xác định tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Cùng với đó, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như: các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).

Bộ Công thương đang tăng cường đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu. Theo đó, FTA Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết trong năm 2023. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã được khởi động đàm phán; FTA với các nước khối MERCOSUR (bao gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng đang được thúc đẩy… Khi ký kết được các FTA này sẽ mở ra cơ hội cho không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà cả nhập khẩu hàng hóa với mức thuế thấp và cạnh tranh hơn.

Về phía các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, sau thời gian dài im ắng, gần đây số lượng các đối tác từ: châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước, đặc biệt đối với phân khúc thời trang công sở. Do đó, kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tăng so với đầu năm.

Để thắng lợi ở nửa cuối năm, ngành dệt may xác định đẩy mạnh nhiều giải pháp như chuyển đổi số, sản xuất xanh (nguồn nguyên liệu trong nước, thân thiện môi trường...) để đáp ứng yêu cầu của đối tác, đa dạng thị trường, và chủng loại sản phẩm... Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang dần mất lợi thế về nhân công giá rẻ, nên bắt buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng áp dụng công nghệ số, đầu tư máy móc để phát triển, tiết giảm nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh.

(Theo nhandan.vn)
 

 

.
.
.