Thứ Sáu, 02/06/2023, 09:41 (GMT+7)
.

Để hương sầu riêng bay xa

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng sản phẩm, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi và đã hình thành, phát triển một số chuỗi liên kết, đặc biệt là trên lĩnh vực trái cây.

KẾT NỐI CHƯA CHẶT CHẼ

Để tập trung hỗ trợ phát triển nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng sản phẩm trái cây, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 3 dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trái cây trên các lĩnh vực xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng và thanh long giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, với các nội dung thực hiện hỗ trợ cho các tác nhân tham gia chuỗi như: Thực hiện chứng nhận VietGAP, cấp mã số vùng trồng, mã nhà sơ chế, áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến, kiện toàn tổ chức kinh tế hợp tác và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ theo Nghị định 98/2018 ngày 5-7-2018 của Chính phủ.

Nâng cao chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng là mục tiêu quan trọng được  Sở NN-PTNT tập trung thực hiện.
Nâng cao chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng là mục tiêu quan trọng được Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện.

Trong khuôn khổ nội dung Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng được phê duyệt, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cũng đã phối hợp với UBND các huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành và TX. Cai Lậy tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy kết nối liên kết tiêu thụ” với mục tiêu cung cấp thông tin kiến thức thị trường và liên kết, tạo điều kiện gặp gỡ để tăng khả năng kết nối, tạo lập môi trường hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sầu riêng; giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Sầu riêng là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh có diện tích lớn, với các giống sầu riêng được trồng phổ biến hiện nay là Ri6, Monthong. Hiện nay, nông dân đã có trình độ sản xuất khá cao, đều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tiêu chuẩn GAP... để tạo sản phẩm an toàn;  xử lý thu hoạch trái rải vụ nên có sản phẩm thu hoạch quanh năm.

Thị trường tiêu thụ sầu riêng ngày càng mở rộng và được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Úc, Mỹ... với các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam, từ 7-2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất và tiêu thụ sầu riêng nói riêng ở Tiền Giang hiện nay là tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; mối liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất còn rời rạc chưa ràng buộc chặt chẽ bằng hợp đồng mang tính pháp lý; việc kết nối cập nhật thông tin về nhu cầu sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin thị trường chưa được người dân quan tâm cập nhật kịp thời.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng gặp những thách thức như: Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe; giá đầu vào tăng làm tăng giá thành sản phẩm, chất lượng và giá cả sản phẩm chưa ổn định.

ĐỂ CHUỖI LIÊN KẾT ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Trước những lợi thế cùng với những khó khăn và thách thức, vấn đề đặt ra trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sầu riêng là làm thế nào để tổ chức và quản lý chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao; cách thức tổ chức như thế nào để định hướng  nông dân hợp tác, liên kết và sản xuất có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng để đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và gắn kết được với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, lâu dài. Đây là những vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, đến nay diện tích sầu riêng của tỉnh đạt hơn 19.900 ha, diện tích cho thu hoạch 12.492 ha, sản lượng thu hoạch được đạt 355.000 tấn mỗi năm. Ngày 13-3-2023, Bộ NN-PTNT có Công văn 1776, giao Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp cho nông sản xuất khẩu; phấn đấu đến cuối năm 2023 có 70% diện tích sầu riêng đang cho trái trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng.

Thực tế vừa qua cho thấy, khi giá trái sầu riêng tăng cao, nhiều nơi nông dân tự phát mở rộng diện tích cây sầu riêng, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo và đã tổ chức hội thảo khuyến cáo người dân: Không tự phát trồng cây sầu riêng ở những nơi không đảm bảo về điều kiện đất đai, nguồn nước; không đảm bảo điều kiện hạ tầng thủy lợi.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tập trung nâng chất lượng diện tích cây sầu riêng hiện có, định hướng phát triển mở rộng diện tích cây sầu riêng trong các vùng đã quy hoạch theo Đề án Chuyển đổi cây trồng trong vùng phía Bắc Quốc lộ 1 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trọng tâm vẫn là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn cho các nước nhập khẩu, thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm.

A.P
 

.
.
.