Thứ Hai, 19/06/2023, 10:00 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Tạo mặt bằng lãi suất ổn định

Đánh giá tình hình huy động vốn và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh, cũng như một số chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Trước tình hình lãi suất huy động tăng cao trong quý III-2022, nhất là trong tháng 9 và 10-2022, thực hiện chủ trương chung của toàn ngành, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận về mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi và cho vay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngày 9-2-2023, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã tổ chức buổi Ký kết đồng thuận mặt bằng lãi suất giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại, thống nhất thực hiện các nội dung thỏa thuận về mặt bằng lãi suất huy động để tạo mặt bằng lãi suất ổn định trên địa bàn.

* Phóng viên (PV): Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Từ đầu năm đến cuối tháng 5-2023, NHNN Việt Nam đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành, một loạt ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank và nhiều ngân hàng khác đã áp dụng mức lãi suất mới.

Trên địa bàn tỉnh, các chi nhánh ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất trung bình từ 0,3% - 1,2% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện tại, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Không chỉ lãi suất kỳ hạn ngắn, mà lãi suất kỳ hạn dài cũng được nhiều chi nhánh điều chỉnh giảm mạnh.

Mặc dù mặt bằng lãi suất có giảm nhưng nguồn tiền gửi vào ngân hàng vẫn đạt kết quả khá tích cực. Đến cuối tháng 5-2023, huy động vốn của ngành Ngân hàng tỉnh đạt 92.352 tỷ đồng, tăng 4.615 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng là 5,26% so với cuối năm 2022. Trong đó, vốn huy động trên 12 tháng tăng 5,2%, chiếm 49,97% tổng nguồn vốn huy động, tỷ trọng không thay đổi so với cuối năm 2022.

Trong đó, huy động VNĐ tăng 5,17% (tăng 4.475 tỷ đồng), huy động ngoại tệ tăng 12,51% (tăng 140 tỷ đồng). Công tác huy động vốn được các tổ chức tín dụng trên địa bàn quan tâm chú trọng, đạt kết quả tăng trưởng khá tốt ngay từ các tháng đầu năm, tăng liên tục qua 5 tháng, mức tăng ổn định, bình quân tăng 1,03%/tháng, tạo tiền đề tốt cho các tổ chức tín dụng cân đối được nguồn vốn sử dụng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, nhất là sử dụng vào hoạt động cho vay.

* PV: Riêng lãi suất cho vay hiện nay diễn biến như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Về lãi suất cho vay, đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm 1% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39/2016 ngày 30-12-2016 của NHNN Việt Nam xuống còn 4,5%/năm đối với ngân hàng thương mại.

Đến cuối tháng 5-2023, trên địa bàn tỉnh: Đối với cho vay ngắn hạn VNĐ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức trên 9% - 11%/năm, dư nợ có mức lãi suất trên 11%/năm chiếm 18,99%, giảm 1,8% so với cuối tháng 2-2023 là thời điểm chưa có điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay của NHNN; đối với cho vay trung dài hạn VNĐ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức trên 11% - 13%/năm, dư nợ có mức lãi suất cho vay trên 11%/năm chiếm 67,15%, giảm 5,66% so với cuối tháng 2-2023.

Trong bối cảnh tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, nhiều ngân hàng giảm lãi suất đầu ra kích cầu vốn vay, giảm từ 1% - 2%/năm so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Như vậy, qua nhiều lần giảm các mức lãi suất điều hành, để giảm lãi suất cho vay của NHNN theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giao dịch tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.
Giao dịch tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.

* PV: Riêng các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Về doanh nghiệp, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ và ban hành một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng như: Ban hành Thông tư 39/2016 quy định khung về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), được bình đẳng trong việc tiếp cận vốn tín dụng nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của tổ chức tín dụng. Về chính sách ưu đãi lãi suất, NHNN xác định DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, được vay vốn ngắn hạn bằng VNĐ với lãi suất thấp hơn 1% - 2%/năm với lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (hiện nay là 4,5%/năm) đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Riêng chính sách tín dụng đặc thù áp dụng cho các DNNVV theo ngành, lĩnh vực kinh tế: Triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/ lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm như: Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ; chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 111/2015 ngày 3-11-2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng triển khai chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các loại hình như Quỹ Bảo lãnh cho DNNVV. Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư 45/2018 ngày 28-12-2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng bảo lãnh cho DNNVV.

Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo đó, các DNNVV thuộc các ngành, lĩnh vực và đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định sẽ xem xét hưởng chính sách hỗ trợ 2%/năm lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay tại ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 - 2023; Thông tư 02/2023 ngày 23-4-2023 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Tiền Giang.                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Ảnh: minh thành
Giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Tiền Giang. Ảnh: Minh Thành

Ngoài ra, bằng chính nguồn lực của mình, các ngân hàng luôn dành một phần vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và dành nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp như: Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng lớn và FDI; ưu đãi lãi suất/giảm lãi suất vay cho khách hàng DNNVV; khách hàng doanh nghiệp hiện hữu/khách hàng doanh nghiệp mới có hoạt động xuất nhập khẩu; doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm phí dịch vụ, giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung, dài hạn cho doanh nghiệp.

Kết quả, đến cuối tháng 5-2023, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 2.022 doanh nghiệp,với dư nợ 29.877 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 33,52% dư nợ toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, từng ngân hàng cũng đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay, cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giúp dễ tiếp cận vốn, nhất là các DNNVV. Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện.

Thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian qua, NHNN đã tập trung triển khai nhiều chính sách tín dụng đối với khu vực DNNVV. Hiện nay, DNNVV được bình đẳng trong tiếp cận vốn như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế; khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng không ngừng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các đối tượng này trong tiếp cận vốn vay và tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động của DNNVV. Đến cuối tháng 5-2023, dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá tốt, tăng 12,47% so với cuối năm 2022, chiếm 14,56% dư nợ toàn tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.