Thứ Hai, 19/06/2023, 20:51 (GMT+7)
.

Hãy giữ "mạch máu" của nền kinh tế

(ABO) Hãy tập thói quen tiết kiệm, hãy tắt bớt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ chính là góp phần "bật sáng" tương lai cho nền kinh tế, cho môi trường sống của mỗi chúng ta.

a
Điện lực Tiền Giang duy tu, bảo dưỡng đường dây truyền tải điện. Ảnh: Tuấn Lâm

Câu chuyện về cung cấp điện chưa bao giờ “nóng” như hiện nay, nó “nóng” theo thời tiết của những ngày qua và dự báo sẽ còn “nóng” trong những ngày sắp tới khi dự báo hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại. Thời tiết nóng hơn và lượng mưa giảm, mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở trong tình trạng báo động, dưới mực nước chết nên dự báo việc cung cấp điện trong mùa hè năm nay gặp nhiều khó khăn. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã có cúp điện luân phiên, sinh hoạt, sản xuất của người dân bắt đầu xáo trộn.

Chúng ta biết, để giải bài toán về điện cần tính toán tổng thể cả 5 dữ liệu: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó, có cân đối năng lượng như điện, xăng dầu. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí - những tập đoàn năng lượng lớn của đất nước. Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để hồi sinh, đưa vào hoạt động Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và đang tiếp tục thúc đẩy triển khai chuỗi Dự án Khí - Điện lô B Ô Môn… Đứng góc độ người dân, 4 vấn đề “vĩ mô” như nguồn điện, hệ thống truyền tải, phân phối, giá điện hãy để cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tính toán.

a

Duy tu đường dây trên địa bàn TP. Mỹ Tho để đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn. Ảnh: Hoàng Long

Trong bối cảnh hiện nay, với trách nhiệm công dân, mỗi người trong chúng ta cố gắng sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, nó vừa giúp mỗi người có thể "giải nhiệt" trong thời tiết nóng nực, vừa giảm bớt sức nóng của vấn đề cung ứng điện. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; lấy tiết kiệm điện làm chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật…

Thật ra, vấn đề tiết kiệm điện không phải mới và không cá biệt ở nước ta. Ngay cả các nước phát triển cũng đang kêu gọi người dân thực hiện tiết kiệm điện. Thậm chí ở một số quốc gia, khi thiếu điện, Chính phủ ra quy định buộc người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền phải tiết kiệm điện với các quy định cụ thể như mấy giờ mới bật điều hòa, mấy giờ thì tắt, để nhiệt độ bao nhiêu, thậm chí công chức đi làm không được mặc áo vest để tiết kiệm điện…

a
Ngành Điện nỗ lực đảm bảo "mạch máu" của nền kinh tế không bị tắt.

Ở nước ta, ngay từ năm 1954, khi đến thăm, động viện công nhân ngành Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu".

Nên việc chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn "mạch máu" cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế. Tiết kiệm điện không chỉ là mệnh lệnh mà cũng là yêu cầu, tạo thói quen tốt từ chính mỗi cá nhân để hạn chế lãng phí nguồn điện, bởi lãng phí trong sử dụng điện ở nước ta hiện còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Hãy tập thói quen tiết kiệm, hãy tắt bớt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ chính là góp phần "bật sáng" tương lai cho nền kinh tế, cho môi trường sống của mỗi chúng ta.

DUY SƠN


 

.
.
.