BÀI CUỐI: Tư duy khác, cách làm khác
BÀI 1: Thay đổi để thích ứng
BÀI 2: Những cơn "địa chấn" của cây ăn trái
Cần thiết phải đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với chuyển động của thị trường, biến đổi khí hậu… Yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải tiếp tục.
Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã và đang lựa chọn “ưu tiên” để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cho phù hợp với xu thế chung.
ĐÁNH GIÁ ĐÚNG HIỆN TRẠNG
Chặng đường tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang vừa qua đã ghi nhận những kết quả nhất định. Điểm nổi bật là sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng; ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được chú trọng; tổ chức lại sản xuất để hình thành các liên kết chuỗi được xem là nhiệm vụ trọng tâm; cánh đồng lớn được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ.
Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi đã góp phần ổn định sản xuất, giữ vững và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đặc biệt đã chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra liên tục trong những năm gần đây…
Chưa kể, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, từ chỗ còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước đã từng bước chuyển sang chủ động, tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc; đóng góp tiền, ngày công lao động nâng cấp xây dựng công trình giao thông nông thôn, công trình công cộng khác trên địa bàn.
Nông thôn mới giờ đây đã trở thành hiện thực; hệ thống hạ tầng nông thôn đã phát triển rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Ngành Nông nghiệp lựa chọn các đối tượng ưu tiên để thực hiện tái cơ cấu. |
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, theo đánh giá chung, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, cũng còn nội dung thực hiện chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, do có nhiều yếu tố thay đổi như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập dần tiến lên đến khu vực trồng cây ăn trái của các huyện phía Tây của tỉnh; nhiều chỉ tiêu đã vượt xa so với mục tiêu đề ra ban đầu nhưng cũng có chỉ tiêu chưa đạt so với dự kiến; dịch tả heo châu Phi dẫn đến có sự chuyển dịch đối tượng nuôi từ heo sang gia cầm; đồng thời, Trung ương cũng có ban hành mới các chiến lược, đề án phát triển các ngành cụ thể (chiến lược phát triển chăn nuôi, chiến lược phát triển thủy sản...) nên cần thiết phải có sự điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Tiền Giang đặt ra mục tiêu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3% - 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,7% GRDP của tỉnh vào năm 2025 và từ 12,5% - 14,5% GRDP của tỉnh vào năm 2030. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2025 tăng 1,6 - 1,8 lần so với cuối năm 2020 và năm 2030 tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn dưới 1% vào năm 2025. Đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 huyện nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có từ 20% - 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, tỷ lệ xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tương ứng theo giai đoạn, không thấp hơn kết quả bình quân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, ngành Nông nghiệp cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng cũng cần một tư duy tươi mới hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây cũng là đòi hỏi từ thực tiễn.
Bàn về câu chuyện này, tại diễn đàn bàn về sản xuất nông nghiệp gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhận định: “Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp chưa chắc đã cần đất. Phải thay đổi tư duy nông nghiệp công nghệ cao thì mới phát triển được”.
Và trong bộn bề thông tin liên quan đến ngành Nông nghiệp, chúng tôi ấn tượng hơn với phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Đáng tiếc chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Và hơn hết, kết quả dễ nhận thấy là những điệp khúc quá quen như được mùa rớt giá, ùn ứ nông sản, giải cứu… cứ lần lượt xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Gần đây, điệp khúc này lại xuất hiện với tần suất nhiều hơn, đa chiều hơn.
TIẾP TỤC TÁI CƠ CẤU
Câu chuyện của ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng có nhiều nét tương đồng với bức tranh chung của cả nước. Từ đó, theo Sở NN-PTNT, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng ngành hàng, Tiền Giang xác định ưu tiên từng lĩnh vực cụ thể cho giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo, theo hướng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng xác định phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất tiết kiệm giống, phân vô cơ, nước; sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng thời, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị và quá trình đô thị hóa nông thôn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Nhìn từ thực tiễn và xu hướng vận động trong thời gian tới, tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, trong đó ngành hàng trái cây được xem là trọng tâm. Từ đó, Tiền Giang xác định giai đoạn 2022 - 2025, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt khoảng 88.600 ha, sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn, trong đó các cây trồng chủ lực đạt 63.900 ha với sản lượng 1,2 triệu tấn; hơn 50% diện tích cây ăn trái chủ lực của tỉnh được cấp mã số vùng trồng; nâng tỷ lệ chế biến trái cây các loại trên 30%.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các mặt hàng trái cây chủ lực: Sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, khóm, bưởi da xanh, sa pô và mít. Trong đó, loại trái cây có nhiều cơ hội phát triển về diện tích và sản lượng do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, hiệu quả kinh tế cao là sầu riêng.
Các sản phẩm chủ lực khác chỉ tập trung duy trì ổn định diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, mẫu mã đẹp, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư các dự án sơ chế, chế biến, bảo quản trái cây; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ tốt nhất về thủ tục đầu tư, cơ chế, chính sách phù hợp với quy định hiện hành
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình canh tác kiểu mẫu gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như các thiết bị cảm biến đo các chỉ số dinh dưỡng đất, nước; hệ thống tưới tiết kiệm, tưới tự động; máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; một số tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng tại Việt Nam; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác (thiết kế vườn trồng; quản lý sâu, bệnh, dinh dưỡng, sản phẩm an toàn...); xây dựng phần mềm ứng dụng chẩn đoán dịch hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ trên smartphone…
Để thực hiện hiệu quả công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, Tiền Giang chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, trước mắt Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trước tình hình giá vật tư, thức ăn, nguyên liệu đầu vào tăng cao…, giải pháp được đưa ra là cần tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm rủi ro cho các cơ sở chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm hạ giá thành sản phẩm; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thông qua hợp tác và tổ hợp tác xã để “mua tận gốc, bán tận ngọn” giúp hạ giá thành sản phẩm và ký hợp đồng thương mại để giá bán hợp lý, đầu ra sản phẩm ổn định.
“Đối với cây ăn trái, nông dân không tự phát trồng cây sầu riêng ở những nơi không đảm bảo về điều kiện đất đai, nguồn nước; không đảm bảo điều kiện hạ tầng thủy lợi; tập trung nâng chất lượng diện tích cây sầu riêng hiện có, định hướng phát triển mở rộng diện tích cây sầu riêng trong các vùng đã quy hoạch theo Đề án Chuyển đổi cây trồng trong vùng phía Bắc Quốc lộ 1 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trọng tâm vẫn là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn cho các nước nhập khẩu, thực hiện các chuỗi liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm”- đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết.
ANH PHƯƠNG