.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững

Cập nhật: 19:48, 28/06/2023 (GMT+7)

Chiều 28/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phối hợp Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn phát triển nông nghiệp Việt Nam năm 2023, với chủ đề "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững".

a
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An; lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. So với dư địa thực tế thì việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng tầm để tạo nên cuộc bứt phá cho phát triển bền vững.

Trong khi đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp là: “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

a
Quang cảnh diễn đàn.

Để đạt được mục tiêu này, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới để mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh Long An Long An Nguyễn Văn Út cho biết, Long An luôn xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh. Theo đó, Long An đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Kết quả, đã có nhiều sản phẩm chủ lực như: chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,... đã xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc... Đối với việc thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của Long An đã có sự phát triển; tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra được khối lượng nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa cao.

Đây là thực trạng chung không chỉ riêng của Long An, mà còn là khó khăn chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp thu những hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học và có thêm nhiều hướng đi mới để giúp cho nông nghiệp có những đột phá. Tất cả vì mục tiêu cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái cộng đồng để tạo cho nông nghiệp đạt được giá trị bền vững.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.