Thứ Tư, 07/06/2023, 14:37 (GMT+7)
.

Tổ khuyến nông cộng đồng: Hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững

Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) hoạt động hiệu quả là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 13.5). Theo đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai nhiều giải pháp để kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ KNCĐ trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang là 1 trong 13 tỉnh thực hiện Dự án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ KNCĐ của Bộ NN&PTNT. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã xác định vùng nguyên liệu cây ăn trái ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy tham gia thực hiện đề án trên.

Theo đó, 2 Tổ KNCĐ thí điểm thực hiện tại xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) và xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trên cơ sở kiện toàn từ các câu lạc bộ (CLB) khuyến nông cùng 13 Tổ KNCĐ trong vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã xác định việc thành lập Tổ KNCĐ ngoài thực hiện nhiệm vụ theo đề án của Bộ NN&PTNT, còn là một trong những chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên rất cần thiết trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.

Do đó, ngành NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã hướng dẫn các địa phương thành lập Tổ KNCĐ, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 117 Tổ KNCĐ/10 huyện, thị với 1.138 thành viên (mỗi Tổ KNCĐ từ 5 - 10 thành viên, riêng một số tổ trên 10 thành viên).

Các Tổ KNCĐ được thành lập bước đầu đã khẳng định vị trí, vai trò là “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông, truyền tải thông tin kỹ thuật đến người dân nhanh và hiệu quả nhất.

Các Tổ KNCĐ từng bước trở thành “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông, góp phần xây dựng nông thôn mới (trong ảnh: Hướng dẫn nông dân ở xã Phú An, huyện Cai Lậy thiết lập đăng ký mã số vùng trồng cây sầu riêng).
Các Tổ KNCĐ từng bước trở thành “cánh tay” nối dài trong hoạt động khuyến nông, góp phần xây dựng nông thôn mới (trong ảnh: Hướng dẫn nông dân ở xã Phú An, huyện Cai Lậy thiết lập đăng ký mã số vùng trồng cây sầu riêng).

Huyện Cái Bè là một trong những địa phương đẩy mạnh thành lập Tổ KNCĐ ở 24/25 xã, thị trấn trên cơ sở kiện toàn từ các CLB khuyến nông trước đây. Đặc biêt, huyện còn được chọn xây dựng một Tổ KNCĐ tại xã Mỹ Lợi A gắn với vùng sản xuất nguyên liệu sầu riêng.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè Trần Văn Trọng, Trung tâm đã hướng dẫn các Tổ KNCĐ xây dựng quy chế, nội dung hoạt động của tổ, xây dựng kế hoạch hoạt động, tham gia xây dựng, tư vấn thành lập mã vùng trồng cho cây trồng.

Ngoài nhiệm vụ khuyến nông, các Tổ KNCĐ trên địa bàn huyện Cái Bè còn có các hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới…, qua đó hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế góp phần hoàn thành tiêu chí 13.5 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (gọi tắt là Trung tâm Khuyến nông) tỉnh, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, các CLB và Tổ KNCĐ vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, các Tổ KNCĐ mới thành lập nên một số địa phương còn lúng túng, chưa thật sự am hiểu về lợi ích, cách thức hoạt động của tổ…

Do đó, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có nhiều hoạt động để nâng cao kỹ năng, phương pháp khuyến nông nhằm chuyển đổi hoạt động khuyến nông trong tình hình mới, đào tạo lực lượng KNCĐ trong tổ phát triển kinh tế nông nghiệp số gắn xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 6 lớp đào tạo (40 người/lớp), tập huấn (TOT, TOF) về nâng cao năng lực cho Tổ KNCĐ, cho cán bộ ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các Tổ KNCĐ thuộc 4 huyện, thị trong vùng nguyên liệu cây ăn trái (các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy).

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Tấn Quốc, tham gia lớp đào tạo - tập huấn, các cán bộ khuyến nông ở địa phương được trao đổi các nội dung về kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; định hướng chuyển đổi hoạt động khuyến nông phù hợp với tình hình mới; vai trò, nhiệm vụ của Tổ KNCĐ trong phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới; phân tích thị trường và xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Đây là các “hạt nhân” nòng cốt giúp ngành Nông nghiệp Tiền Giang tập huấn, hướng dẫn cho các Tổ KNCĐ tại địa phương góp phần hoàn thành mục tiêu của đề án và xây dựng nông thôn mới.

CAO THẮNG

 

.
.
.