.

Trung Quốc khen nông sản Việt ngon, DN vẫn mua bán lẻ tẻ, đứt đoạn

Cập nhật: 15:27, 06/06/2023 (GMT+7)

Phía Trung Quốc khen chất lượng nông sản Việt ngon, muốn mua lượng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên vẫn còn mua bán lẻ tẻ rồi đứt đoạn, chưa có sự kết nối để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng bền vững.

Doanh nghiệp Trung Quốc nhờ kết nối mua hàng Việt

Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chiều 5/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, với dân số 1,41 tỷ người và thu nhập bình quân năm 2022 đạt 13.800 USD/người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và tiềm năng.

Chính phủ và doanh nghiệp hai bên đều coi nhau là “đối tác thương mại quan trọng”. Gần gũi về địa lý, có chung đường biên nên lợi thế về vận chuyển với thời gian ngắn, chi phí thấp, phương thức vận tải đa dạng. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, gia cầm...

b

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Giang)

Ngoài ra, Trung Quốc có hệ thống đường bộ rất thuận lợi cho nước ta xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện, 70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi bằng đường bộ sang Trung Quốc. Theo Thứ trưởng, đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản vào sâu trong nội địa của Trung Quốc và cũng là lợi thế lớn để đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu nông sản trong thời gian tới.

Ông cho biết, mới đây khi làm việc với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), tham gia hội nghị xúc tiến có hàng trăm doanh nghiệp của nước này, họ đều đánh giá chất lượng nông sản Việt ngon, muốn tìm hiểu và kết nối để thuận tiện trao đổi mua bán.

"Ở Trung Quốc đi đến đâu doanh nghiệp cũng nhắc tới sầu riêng, khen chất lượng sầu riêng của mình tốt, hàng ngon nhưng cung và cầu vẫn chưa gặp nhau. Một doanh nghiệp nước bạn có 2.000 xe vận tải nhờ tôi kết nối để có thể nhập được hàng của Việt Nam thời gian tới", Thứ trưởng Nam chia sẻ.

Tỉnh Vân Nam có khoảng 50 triệu dân nhưng không giáp biển. Họ rất thích ăn các loại thủy hải sản, song vận chuyển từ các tỉnh khác đến thì chi phí khá đắt đỏ. Trong khi, Việt Nam ngay sát bên cạnh nên họ có nhu cầu lớn với các sản phẩm thủy sản của nước ta.

"Phía tỉnh Vân Nam đồng ý và cho hay sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục nhập khẩu các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống của Việt Nam sang tỉnh này", ông Nam cho hay.

Phải làm chuỗi cung ứng bền vững

Dù vậy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thừa nhận, nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản của hai bên rất lớn song hạ tầng biên giới đang bị quá tải. Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện thông thương, cần phải quan tâm đầu tư cho hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu.

Ông cũng chỉ rõ điểm hạn chế trong chuỗi cung ứng hiện nay. Việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai bên còn thiếu tính bền vững, chưa xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn xuyên suốt nên dễ bị đứt đoạn.

b

Nông sản Việt được doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định chất lượng tốt, ngon (Ảnh: Thạch Thảo)

"Doanh nghiệp hai bên vẫn còn mua bán lẻ tẻ với nhau, bán xong là đứt đoạn. Không hiểu nhu cầu sắp tới cần hàng như nào để chuẩn bị. Các doanh nghiệp cứ đi tìm mối này mối kia, không có kết nối bền vững do thiếu thông tin", ông nhấn mạnh. Thế nên mới có chuyện, thị trường Trung Quốc cần sầu riêng, khen hàng Việt ngon, còn nhà vườn ở nước ta vẫn bán với giá chỉ 60.000 đồng/kg.

Theo Thứ trưởng Nam, lần này qua làm việc với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, hai bên thống nhất thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững nhằm nắm bắt rõ thông tin cung cầu. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, vướng mắc ở đâu tìm cách gỡ ở đó.

Ông kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng lên. Muốn vậy, phải xây được chuỗi cung ứng bền vững. Còn chất lượng nông sản của nước ta đảm bảo, bạn hàng đánh giá rất cao.

"Tôi cũng muốn gửi thông điệp: Trung Quốc là thị trường lớn, chú trọng đến chất lượng nên các quy định đều rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của họ. Khi đảm bảo được thì hàng hóa sẽ thâm nhập vào thị trường này thuận lợi.

Nhiều doanh nghiệp của mình vẫn nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, song không phải vậy. Khi làm việc, doanh nghiệp phía bạn đều nêu vấn đề chất lượng là hàng đầu, là uy tín doanh nghiệp", Thứ trưởng nói.

Ông lưu ý thêm, Vân Nam và Quảng Tây là cửa ngõ để nông sản việc thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Vấn đề chính là phải xây dựng chuỗi. Nếu không đảm bảo chuỗi thì chỉ làm được một lần, có khi lần sau sẽ không làm được nữa.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 3,14 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nước ta chi khoảng 939,7 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm nay, một số mặt hàng xuất sang Trung Quốc có kim ngạch tăng như: rau quả đạt 806,4 triệu USD; hạt điều đạt 124 triệu USD; gạo 292,6 triệu USD; chè 3,1 triệu USD.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm: thủy sản đạt 363,2 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn đạt 397,4 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 481,2 triệu USD; cao su 484,5 triệu USD; thức ăn gia súc 143,7 triệu USD.

Theo VietNamNet

.
.
.