Thứ Sáu, 14/07/2023, 13:53 (GMT+7)
.
CÔNG ĐOÀN NGÀNH CÔNG THƯƠNG TỈNH TIỀN GIANG:

Để Công đoàn thật sự là người bạn đồng hành

Nhiệm kỳ (2017 - 2022), Công đoàn (CĐ) ngành Công thương tỉnh Tiền Giang đã làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và công đoàn viên (CĐV). Từ đó, giúp người lao động nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển lực lượng CĐV, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội VI CĐ ngành Công thương tỉnh đề ra.

Chủ tịch CĐ ngành Công thương tỉnh Tiền Giang Nguyễn Xuân Dũng cho biết, 5 năm qua, CNVCLĐ đang làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc CĐ ngành Công thương tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về việc làm, thu nhập, nhưng CNVCLĐ ngành đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Các cấp CĐ ngành bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội CĐ ngành đề ra, làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ và CĐV.

Công tác tuyên truyền giáo dục đạt kết quả thiết thực, nhất là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua yêu nước được đông đảo CNVCLĐ trong toàn ngành tham gia, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

CHĂM LO THIẾT THỰC CNVCLĐ VÀ ĐOÀN VIÊN

5 năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành Công thương tỉnh đáp ứng được nhu cầu đa dạng cho sản xuất và đời sống nhân dân.

CĐ ngành Công thương tỉnh bàn giao nhà “Mái ấm CĐ” cho CĐV khó khăn về nhà ở.
CĐ ngành Công thương tỉnh Tiền Giang bàn giao nhà “Mái ấm CĐ” cho CĐV khó khăn về nhà ở.

Với vai trò là lĩnh vực kinh tế chủ đạo trong cơ cấu của nền kinh tế, ngành Công thương tỉnh đã bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách về phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động, mở rộng và phát triển lực lượng CĐV, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Công thương tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Dũng, kết quả nổi bật trong hoạt động CĐ ngành Công thương tỉnh nhiệm kỳ qua phải kể đến công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CĐV và người lao động.

Trong nhiệm kỳ qua, CĐ ngành Công thương tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tích cực tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào các văn bản về các chế độ, chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động, tổ chức CĐ.

Đồng thời, chỉ đạo các CĐCS chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động ở doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và Hội nghị Người lao động.
Hằng năm, có 100% các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị CBCCVC và trên 90% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động.

Thông qua Hội nghị CBCCVC và Hội nghị Người lao động, CNVCLĐ đã tham gia, đề xuất, kiến nghị trên 300 ý kiến về việc làm, đời sống, các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng, điều kiện việc làm...; nhiều vấn đề về lợi ích hợp pháp của người lao động đã được giải quyết theo hướng tích cực.

Hiện nay, có 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc CĐ ngành đều xây dựng các quy chế và ký kết thỏa ước lao động tập thể (đối với các doanh nghiệp); 100% thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật quy định, như: Thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu, tháng lương thứ 13, chế độ tham quan, du lịch, trang bị an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tự nguyện và các phúc lợi khác... Công tác đối thoại tại nơi làm việc cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Song song đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được thực hiện tốt hơn, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của hai bên trong quan hệ lao động. Công tác kiểm tra, giám sát chính sách pháp luật cũng được CĐ ngành và các CĐCS quan tâm. Hằng năm, CĐ ngành lập kế hoạch khảo sát và làm việc với các đơn vị về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Trên cơ sở đó, kịp thời phản ảnh, kiến nghị với doanh nghiệp, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa trong các doanh nghiệp. Cùng với đó, các CĐCS doanh nghiệp ngày càng nâng cao nhận thức về vai trò của công tác an toàn, vệ sinh an toàn lao động, thông qua việc hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hằng năm do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động; thường xuyên tổ chức rà soát chấn chỉnh lại mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở.

Công tác chăm lo đời sống của CNVCLĐ và CĐV được CĐ ngành Công thương tỉnh, các CĐCS trực thuộc quan tâm, nhất là thăm hỏi CĐV ốm đau, khó khăn đột xuất. Nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, CĐ ngành và CĐCS tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho CNVCLĐ, CĐV có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đợt dịch Covid-19, CĐ ngành và các CĐCS trợ cấp trên 3.900 lượt CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn và trên 300 CNVCLĐ bị nhiễm bệnh, số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, CĐ ngành Công thương tỉnh Tiền Giang còn đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ từ Quỹ “Mái ấm CĐ” cho 4 CĐV xây mới nhà ở với số tiền 140 triệu đồng...

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng cho rằng, với những thành tích đạt được trong 5 năm qua, có thể khẳng định phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ ngành Công thương tỉnh có những bước đi vững chắc và đúng hướng.

Công đoàn ngành Công thương tỉnh Tiền Giang trao tặng quà cho công nhân, lao động khó hăn.

Tuy nhiên, với xu thế phát triển chung, nhất là trong quá trình nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, trong thời gian tới chắc chắn phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ ngành sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách mới.

Nhiệm vụ của tổ chức CĐ là phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng, Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của CĐ cấp trên để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và CĐV.

Với trên 96% lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của CĐV, người lao động, phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ ngành Công thương, đòi hỏi các cấp CĐ cần phải nỗ lực đổi mới tư duy, phương thức và nội dung hoạt động, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động.

Để từ đó có thể đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CĐV và người lao động trong ngành Công thương tỉnh, đồng thời khẳng định vị trí, nâng cao vai trò của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

Xuất phát từ tình hình trên, CĐ ngành Công thương tỉnh đề ra các mục tiêu và phương hướng để triển khai thực hiện, trong đó tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ theo hướng thiết thực, hiệu quả; xác định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp CĐ; coi trọng vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ CĐV và người lao động.

Tăng cường quan tâm đến lợi ích CĐV, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút CĐV và người lao động. Hoàn thiện phương thức hoạt động, phát huy vai trò của CĐV tham gia xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Tích cực xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Với tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành Công thương, nhiệm kỳ 2023 - 2028, CĐ ngành Công thương tỉnh xác định mục tiêu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ, góp phần cùng chuyên môn thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành Công thương đề ra.

THIÊN LÝ

.
.
.