Thứ Năm, 27/07/2023, 14:22 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phước: Khai thác tiềm năng, tạo động lực cho phát triển

(ABO) Huyện Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 25 km; có nhiều tuyến đường kết nối các trục giao thông liên kết với TP. Hồ Chí Minh, là vùng chuyên canh với các loại cây ăn trái, như: Khóm, thanh long, mít... Tân Phước được đánh giá là một trong những địa phương còn nhiều dư địa để phát triển trong tương lai của tỉnh Tiền Giang.
 
Du lịch nghỉ dưỡng.
Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Trung Kiên, huyện Tân Phước.
 
 HOÀN THIỆN HẠ TẦNG GIAO THÔNG
 
Về giao thông, Tân Phước có một số đặc thù và cũng là lợi thế để khai thác với 7 tuyến đường kết nối Quốc lộ 1 và cao tốc vào huyện Tân Phước như đường tỉnh 865 kết tối từ nút giao Tân An về xã Phú Mỹ ; đường 866B là đường hiện hữu nối vào Khu công nghiệp Long Giang; đường 878 nối trực tiếp vào nút giao cao tốc; đường Đồng Tháp Mười chuẩn bị hình thành; đường 867, đường 874 nối Quốc lộ 1 và nút giao cao tốc tại TX. Cai Lậy; đường 867 hướng về đường N2 và Quốc lộ 62; đồng thời, huyện Tân Phước cũng rất gần với TP. Hồ Chí Minh.
 
Bên cạnh đó, với việc triển khai đầu tư Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nút giao Thân Cửu Nghĩa (cách Khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân phước 2 khoảng 2 km) với đường tỉnh 878 kết nối khu vực sản xuất công nghiệp phía Đông Nam huyện Tân Phước với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ thuận lợi giao thông kết nối của Khu công nghiệp Tân Phước 1 và Tân Phước 2 rất thuận lợi.  
 
Doanh nghiệp tìm hiểu tìm năng du lịch Tân Phước.
Doanh nghiệp tìm hiểu tìềm năng phát triển du lịch ở huyện Tân Phước.
 
Ngoài ra, các tuyến đường trọng điểm đã được quy hoạch, như: Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười đã được HĐND tỉnh Tiền Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết 26/NQ-HĐND ngày 17-9-2021, được xây dựng mới hoàn toàn có điểm đầu kết nối trực tiếp với nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn huyện Châu Thành và điểm cuối đấu nối vào vòng xoay thị trấn Mỹ Phước thuộc huyện Tân Phước.
 
Song song đó, Dự án Nâng cấp đường tỉnh 865 thành Quốc lộ 30C được UBND tỉnh Tiền Giang trình Bộ giao thông Vận tải, phục vụ hoạt động vận tải liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp. Dự án Nâng cấp đường huyện 40 (đường Bắc Đông) thành tỉnh lộ 865B, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười và các dự án mời gọi đầu tư.
 
Riêng về đường thủy có các tuyến đường trục chính quan trọng để kết nối gồm: Kinh Nguyễn Văn Tiếp (kinh Tháp Mười 2) kết nối liên vùng từ các tỉnh miền Tây đến TP. Hồ Chí Minh; kinh Nguyễn Tấn Thành kết nối kinh Nguyễn Văn Tiếp ra sông Tiền có thể vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng Mỹ Tho và cảng Hiệp Phước bằng xà lan tải trọng trên 100 tấn.
 
Các dự án trong khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước sẽ kết nối với trục chính bằng kinh Năng và kinh Hai. Trong đó, Khu công nghiệp Tân Phước 1 có 4 mặt giáp kinh, có thể lưu thông các tàu cỡ nhỏ, xà lan trên 100 tấn. Từ Khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 có thể vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng Mỹ Tho và cảng Hiệp Phước bằng xà lan tải trọng trên 100 tấn.
 
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, với những lợi thế về vị trí kết hợp với mạng lưới quy hoạch thủy lợi, quy hoạch dân cư và các công trình xây dựng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến huyện. Phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm đòn bẩy cho thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
 ĐÒN BẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ
 
Có thể nói, huyện Tân Phước có tiềm năng để phát triển du lịch, khi trên địa bàn huyện hiện có 9 di tích được công nhận, trong đó gồm 1 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) có kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời; Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có quy hoạch tổng thể gồm 25 hạng mục, với quy mô 30 ha, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân, phật tử. Đây còn là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, lễ Phật và tham quan, du lịch.
 
Du lịch sinh thái.
Du lịch sinh thái ở huyện Tân Phước.
 
Ngoài ra, với Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích khoảng 106 ha ở xã Thạnh Tân được xem là điểm nhấn khi du khách đến tham quan du lịch ở huyện Tân Phước. Mỗi năm nơi đây có thêm khoảng 1.000 chim thú sinh sôi với nhiều loài chim quý hiếm. Điểm thu hút khách tham quan là được chèo xuồng khám phá vùng rừng ngập phèn với không gian yên tĩnh, môi trường trong lành được bao bọc bởi rừng tràm xanh tốt…
 
Bên cạnh đó, huyện Tân Phước đang dần hình thành 2 điểm du lịch sinh thái do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại xã Thạnh Mỹ (Khu du lịch sinh thái Trung Kiên và Khu du lịch TinTin), gồm loại hình du lịch nghỉ dưỡng gia đình; tham quan vườn cây ăn trái kết hợp với câu cá, bơi xuồng, ẩm thực...
 
Đồng thời với việc tăng cường hình thành và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước đã khai thác được lợi thế và tiềm năng của huyện, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế.
 
Cụ thể, trong thời gian qua, tại Khu công nghiệp Long Giang đã có nhiều nhà đầu tư của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đến đầu tư và cũng đang rất thành công, liên tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều cơ hội cho lao động địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư trên địa bàn huyện.
 
Thiền Viện Trúc Lâm thu hút hàng nghìn lượt khác.
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước) đang là điểm đến của rất nhiều du khách.
 
Song song đó, việc xây dựng khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước, cụ thể như các khu công nghiệp: Long Giang 540 ha, Tân Phước 1 với 470 ha và Tân Phước 2 với 300 ha) được phê duyệt sẽ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho phát triển công nghiệp huyện Tân Phước với mục tiêu xây dựng khu vực công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường. Ngoài ra, huyện cũng đã Quy hoạch phân khu khu vực công nghiệp Thạnh Tân với quy mô diện tích 131,48 ha để tiếp nhận các dự án đầu tư có tính chất ít ô nhiễm. 
 
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, huyện có các chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý như: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; các ưu đãi về thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm theo quy định; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm hoặc 5 năm hoặc 4 năm tiếp theo theo quy định…
TUẤN LÂM
.
.
.