.

Lương thực của Việt Nam đủ nuôi sống hơn 200 triệu dân

Cập nhật: 15:46, 05/07/2023 (GMT+7)

Việt Nam từ một nước nhập khẩu đến nay đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm đứng top 10 thế giới. Nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… đã nhập thực phẩm từ Việt Nam.

Sáng 5-7, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” khu vực phía Nam.

a
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đồng chủ trì.

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đồng chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong những năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) không ngừng nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP; công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an ninh, ATTP được tập trung đẩy mạnh và có hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành nói chung và Bộ Y tế nói riêng quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

a
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo

Nước ta, bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về ATTP... Bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao.

Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội; Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao…

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD (gạo trên 3,5 tỷ USD) đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, thủy sản trên 11 tỷ USD (tôm trên 4 tỷ USD) chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam.

“Việt Nam từ một nước nhập khẩu đến nay đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm đứng top 10 thế giới như: gạo, chè, thủy sản, cà phê, hạt tiêu… Nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… đã nhập thực phẩm từ Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Phong thông tin.

a
Các đại biểu tham dự hội thảo

Đồng thời ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, lương thực của Việt Nam đủ nuôi sống hơn 100 triệu dân trong nước và còn đủ sức nuôi sống thêm hơn 100 triệu dân nữa. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực đến nay nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên từ 71,3 (năm 2007) lên đến 73,7 (năm 2022).

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến, đồng thời đánh giá công tác quản lý ATTP, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP tại Trung ương và địa phương, những thực tiễn bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới tại đơn vị... Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 420.000 người chết vì ăn phải thực phẩm ô nhiễm. Tại Mỹ, hàng năm vẫn có 76 triệu ca mắc tiêu chảy liên quan đến thực phẩm. Tại Úc, mỗi năm vẫn có khoảng 4,2 triệu ca bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tại Nhật Bản, tháng 7-2020 tại quận Saitama (TP Yashio phía Bắc Thủ đô Tokyo) đã xảy ra ngộ độc sau khi ăn bữa trưa tại 15 trường tiểu học và trung học làm 3.453 người ngộ độc và đi viện.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.