.

Miền Tây khắc khoải chờ cầu

Cập nhật: 15:59, 02/07/2023 (GMT+7)

Sau các dự án đường cao tốc được triển khai ở vùng ĐBSCL, người dân miền Tây đang rất háo hức mong chờ ngày hợp long cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi. Tuy nhiên, 2 dự án này hiện vướng nhiều khó khăn.

a
Thi công cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: TÍN HUY

Khởi động rồi... bất động

Dự án cầu Đại Ngãi giúp nối thông toàn tuyến QL60, đấu nối vào cầu Rạch Miễu 2, giúp nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL. Sau 8 năm khởi động rầm rộ (từ cuối năm 2015), đến nay cầu Đại Ngãi vẫn... chưa thể khởi công xây dựng. Người dân trong vùng vẫn ngày ngày ngóng trông cây cầu và không hiểu sao dự án lại bất động suốt gần một thập niên qua. Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, chia sẻ: Công ty chúng tôi hàng ngày có nhiều xe đi thu mua tôm nguyên liệu từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre… Các xe phải chạy đường vòng rất xa hoặc qua phà mất nhiều thời gian, chi phí. Nếu như có cầu Đại Ngãi thì người dân, doanh nghiệp sẽ thuận lợi giao thương hơn rất nhiều. Theo doanh nhân này, trong năm 2022, các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 3 tỷ USD. Thế nhưng, hầu hết lượng hàng hóa xuất khẩu đều phải ì ạch trên QL1, sau đó đến các cảng tại TPHCM khiến chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Nhìn nhận về vai trò của cầu Đại Ngãi, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho hay, cầu Đại Ngãi ngoài việc giúp khơi thông tuyến QL60, còn đóng vai trò quan trọng kết nối giao thông liên hoàn khu vực ĐBSCL. Tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao khi khởi công dự án.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ

Trong khi đó, dự án cầu Rạch Miễu 2, nối liền tỉnh Tiền Giang và Bến Tre theo tuyến QL60 về ĐBSCL, sau hơn 1 năm khởi công (tháng 3-2022), hiện Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 6.810 tỷ đồng, tăng 1.634 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đề xuất điều chỉnh từ năm 2021 đến năm 2026 thay vì năm 2025 như phê duyệt. Dự kiến đến quý 4-2023 mới có thể thi công trên toàn tuyến phía Tiền Giang. Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đa phần các gói thầu đều vướng mặt bằng.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng; đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng mới với kinh phí khoảng 262 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, hiện chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng nên các bộ ngành đang trình Thủ tướng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các hộ đã bàn giao mặt bằng sạch, địa phương yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Về dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cũng chỉ đạo: “Các đơn vị thi công tăng cường cọc tiêu biển báo, khơi thông đường cho người dân, đảm bảo sinh hoạt, đi lại của người dân và vệ sinh môi trường. Đẩy nhanh tiến độ Dự án cầu Rạch Miễu 2, sớm được ngày nào hay ngày đó. Đẩy nhanh các thủ tục để đến đầu tháng 7-2023 có được điều chỉnh chủ trương đầu tư”.

Ngày 23-12-2022, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1703/QĐ-BGTVT về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, dự án dự kiến khởi công trong quý 2-2023. Từ quyết định trên, người dân vùng ĐBSCL tiếp tục hy vọng về một ngày không xa sẽ không còn cảnh “qua sông phải lụy phà”.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.