Thứ Tư, 12/07/2023, 20:21 (GMT+7)
.

Ngành hàng yến có thế mạnh về thị trường xuất khẩu

Với sản lượng hiện nay khoảng 200 tấn/năm, mặt hàng yến mang lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là ngành nghề rất triển vọng và có thế mạnh đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt ngành sản xuất yến có vai trò quan trọng và giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.

Ngành hàng yến có thế mạnh về thị trường xuất khẩu (Ảnh: B.T)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, ngành hàng yến của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần được tập trung tháo gỡ. Trong đó, có thể kể đến việc cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1-6 tỷ đồng/nhà yến như ở Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, hiện nay, Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn Luật giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này dẫn đến người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi chim yến. Từ 1/1/2020, nhà yến hiện có phải giữ nguyên hiện trạng theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP, đặc biệt cuối năm 2019 việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không thể kiểm soát làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến nhiều tỉnh chưa cập nhật, các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Bên cạnh đó, về quản lý điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh, chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loại gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra.  Hiện nay chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động chim yến và sản phẩm từ yến.

Ngoài ra, công tác quản lý nuôi chim yến, giám sát, đánh giá, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đàm phán, hướng dẫn, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm tổ yến còn nhiều hạn chế, chưa có cơ sở được chấp nhận và cấp phép xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa hai bên.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2017 với tổng số trên 8,3 nghìn nhà yến, đến tháng 8/2019 có trên 11,75 nghìn nhà yến, tăng 1,42 lần. Đến năm 2021 đạt tổng số 22.363 nhà nuôi yến, năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà yến. Bốn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13/13 tỉnh), Đông Nam bộ (6/6 tỉnh), Nam Trung bộ (8/8 tỉnh) và Tây Nguyên (5/5 tỉnh) có 100% số tỉnh có nghề nuôi yến. Nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 10.572 nhà yến, chiếm 44,67%. Tiếp đến là vùng Nam Trung bộ với 5.965 nhà yến, chiếm 25,21%. Vùng Đông Nam bộ với 4.958 nhà yến, chiếm 20,95%. Vùng Tây Nguyên với 1.969 nhà yến, chiếm 8,32%. Các tỉnh phía Bắc với 201 nhà yến, chỉ chiếm 0,85%. Vùng các tỉnh phía Bắc do khí hậu lạnh về mùa đông nên không phù hợp cho yến.

Với sản lượng yến, hiện nay khoảng 200 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là ngành nghề rất triển vọng và có thế mạnh đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt ngành sản xuất yến có vai trò quan trọng và giúp cho hàng trăm nghìn lao động địa phương có việc làm.

Về tình hình xuất khẩu các sản phẩm tổ yến, tính đến ngày 19/6/2023, đã có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến (trong tổng số gần 24.000 cơ sở nuôi chim yến trên toàn quốc) đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.

(Theo dangcongsan.vn)


 

 

.
.
.