Dự báo, nửa cuối năm 2023, cùng với sự tăng trưởng của toàn nền kinh tế khu vực ASEAN, thì nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam tiếp tục có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Đa dạng các mặt hàng xuất khẩu
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường ASEAN là 1,1 tỷ USD, đạt 66,1% kim ngạch năm 2022, với sản lượng 2,2 triệu tấn, đạt 62,4% lượng năm 2022. Giá xuất khẩu tất cả các loại gạo đều ở mức tăng. Cụ thể, trong tháng 5/2023, gạo nếp giá bình quân ở mức 586 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ; gạo thơm giá bình quân 561 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; gạo trắng giá bình quân 516 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh mặt hàng gạo, xuất khẩu cà-phê sang thị trường ASEAN cũng rất khả quan. Theo đó, lũy kế 5 tháng năm 2023 đạt 201,8 triệu USD, đạt 54,1% kim ngạch 2022; sản lượng đạt 64,6 nghìn tấn, đạt 50,8% lượng năm 2022. Các loại cà-phê xuất khẩu sang thị trường này gồm: cà-phê chưa rang, chưa khử caffeine; cà-phê đã rang chưa khử caffeine; cà-phê tan. Riêng trong tháng 5/2023, giá xuất khẩu các chủng loại cà-phê đều tăng so với cùng kỳ năm 2022 từ 7-13%.
Đối với mặt hàng rau quả, tháng 5/2023, ki ngạch xuất khẩu au quả của Việt Nam sang ASEAN đạt 19 triệu USD, giảm 32,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng 2023 đạt 107,6 triệu USD, đạt 30,9% kim ngạch năm 2022. Các loại rau quả chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này là bưởi, sầu riêng, dừa, thanh long, ớt, khoai lang…
Thủy sản cũng là một mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang các nước ASEAN với lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt 275,2 triệu USD, đạt 35,3% kim ngạch năm 2022. Các mặt hàng xuất chủ yếu là cá da trơn và tôm. Giá xuất khẩu cá da trơn bình quân trong tháng 5/2023 ở mức 1,8 USD/kg, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu tôm bình quân ở mức 6,8 USD/kg, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Sầu riêng là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu sang các nước Asean. |
Dư địa thị trường lớn
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng trong khu vực ASEAN dần dần bình thường hóa sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, dự báo đạt 4,7% trong năm 2023, do hầu hết các nước trong khu vực mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN.
Ngoài ra, các cửa hàng đồ ăn Việt Nam tại Malaysia khá nhiều nên cũng là một kênh tiêu thụ thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia là yêu cầu chứng nhận Halal, theo đó sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào luật Hồi giáo cấm. Trong khi đó, việc đạt yêu cầu này cần quy trình khá tốn kém, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù vậy, đây là thị trường tiềm năng nên các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Malaysia cần quan tâm phát triển thời gian tới.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, với mặt hàng gạo, dư địa xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu trên toàn cầu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều nước theo hướng giảm mạnh nông nghiệp, thu hẹp diện tích trồng cây lương thực, cụ thể như các nước: Indonesia, Philippines, Malaysia...
Mặt khác, theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, do tác động của El Nino, sản lượng gạo Thái Lan năm nay có thể giảm 6% xuống mức từ 25,1 đến 25,6 triệu tấn. Sự sụt giảm này sẽ tạo ra khoảng trống thị trường cho gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường ASEAN cũng đang có tín hiệu phục hồi nhờ du lịch hè đang phát triển kéo theo nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng. Tại thị trường Thái Lan, du lịch đang tăng trưởng mạnh, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, trong đó có Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà-phê, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế của các quốc gia sản xuất cà-phê lớn trong khu vực, trong khi nhu cầu sản phẩm, nhu cầu cà-phê robusta vẫn giữ ở mức cao.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà-phê của Indonesia trong niên vụ 2023/24 ở mức 9,7 triệu bao, giảm 18% so với niên vụ trước do lượng mưa quá lớn làm gián đoạn giai đoạn phát triển, giảm năng suất ở các khu vực sản xuất cà-phê robusta lớn. Do đó, nếu bảo đảm nguồn cung, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng xuất khẩu cà-phê sang thị trường ASEAN.
(Theo nhandan.vn)