Thứ Hai, 10/07/2023, 09:23 (GMT+7)
.
NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI: TIỀN GIANG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

BÀI 4: Kiến tạo môi trường đầu tư mới

BÀI 1: Lấy lại đà tăng trưởng

BÀI 2: Định hình sản phẩm chủ lực

BÀI 3: Tạo đà cho các vùng kinh tế động lực

Cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là bước đi quan trọng được Tiền Giang xác định cho những chặng đường tiếp theo.

Kiến tạo một môi trường đầu tư mới nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tiền Giang là nỗ lực không ngừng nghỉ và cần có nhiều thời gian.
    
VƯỢT KHÓ

Cùng với xu hướng chuyển đổi chung của cả nước, của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang đã và đang quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

iền Giang tổ chức giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư.                                                                                                     Ảnh: MINH THÀNH
Tiền Giang tổ chức giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư.                              Ảnh: MINH THÀNH

Tiền Giang cũng tập trung thực hiện thủ tục đầu tư theo hướng thời gian giải quyết được rút ngắn, liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư - đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư kết hợp với dịch vụ công, nhờ đó đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiền Giang cũng xác định rằng, đây là thời điểm mà chính quyền tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cùng mang đến những cơ hội hợp tác mới, những cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển. Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư.

Dựa trên những lợi thế hiện hữu và nỗ lực không ngừng, Tiền Giang đã đặt ra những mục tiêu. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Tiền Giang dự kiến thu hút 140 dự án; trong đó, dự kiến thu hút hơn 80 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 15 dự án, vốn đầu tư tăng 45,5% so với giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến thu hút đầu tư khoảng 60 dự án FDI với 1,745 tỷ USD vốn đầu tư bao gồm 1,57 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký các dự án mới và 175 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm, tăng 50,87% so với thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.

Thế nhưng, từ đầu năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi đến Việt Nam, Tiền Giang đã nỗ lực để xúc tiến và thu hút các dự án mới, chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong nước; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả tại các khu công nghiệp (KCN) đầu tư mở rộng quy mô dự án.

Thông qua nhiều giải pháp, năm 2021, tỉnh thu hút được 10 dự án cấp mới, tổng vốn mới và tăng thêm là 5.313 tỷ đồng; năm 2022 thu hút được 16 dự án mới, tổng vốn đầu tư mới và tăng thêm đạt 10.139 tỷ đồng; dự kiến đến cuối năm 2023 thu hút được 22 dự án mới, tổng vốn 20.000 tỷ đồng.

Tổng cộng nửa đầu kế hoạch 5 năm tính từ năm 2021 đến năm 2023, Tiền Giang dự kiến thu hút được 48 dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 44.450 tỷ đồng, thấp hơn 14 dự án, vốn đầu tư gấp 2,33 lần so với nửa đầu giai đoạn 2016 - 2020, vốn giải ngân các dự án đầu tư dự kiến đạt 8.500 tỷ đồng.  

TIẾP TỤC CẢI THIỆN

Thu hút đầu tư của Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung thời gian qua còn gặp khó khăn do tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh, nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu đã được đề ra.

Tuy nhiên, đây cũng là lúc các tỉnh, thành tiếp tục nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp để kiến tạo một môi trường đầu tư mới, hiệu quả hơn.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, mới đây Tiền Giang đã ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư cho giai đoạn tới gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực, như: Đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao...

Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian tới Tiền Giang cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phân tích đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và các đơn vị cấp huyện để đẩy mạnh cải cách toàn diện và quyết liệt về môi trường đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả; rà soát hồ sơ chủ trương đầu tư và tổ chức đánh giá xét chọn các nhà đầu tư đăng ký thực hiện 3 dự án cụm công nghiệp (CCN) gồm: Mỹ Lợi, Long Bình, Vĩnh Hựu; khẩn trương tổ chức đấu giá các khu đất công để mời gọi đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để vừa thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách để bố trí vốn cho các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào lấp đầy KCN Long Giang, hỗ trợ hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng KCN Bình Đông để sớm mời gọi nhà đầu tư thứ cấp; hỗ trợ mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2; tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết để đảm bảo đủ điều kiện tổ chức mời gọi đầu tư đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư.

Đồng thời, Tiền Giang sẽ thực hiện thật tốt và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn tỉnh; công bố, công khai danh mục dự án mời gọi đầu tư, các quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đẩy mạnh, triển khai hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Một trong những điểm nhấn quan trọng, phát biểu tại Hội nghị giới thiệu dự án mời gọi đầu tư gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, Tiền Giang sẽ sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước…

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn và tiếp tục liên kết với các viện, trường, các tỉnh trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động…

Nửa chặng đường của giai đoạn 2020 - 2025 đã đi qua, Tiền Giang cũng đã gặt hái những thành công nhất định. Tuy nhiên, trong chặng đường tới, Tiền Giang vẫn phải tiếp tục nỗ lực để vươn lên.

Ấn tượng số lượng doanh nghiệp thành lập mới

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là ban hành Kế hoạch hành động 262 ngày 27-8-2021 thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy. Tập trung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ban hành và triển khai thực hiện các Kế hoạch như: Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Kế hoạch phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp...

Theo đó, trong 2 năm 2021 - 2022, Tiền Giang có 1.499 doanh nghiệp thành lập mới; ước giai đoạn 2021 - 2023 Tiền Giang có 2.339 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 56% so với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 4.175 doanh nghiệp). Trong giai đoạn 2021 - 2023, vốn đăng ký bình quân đạt 8,1 tỷ đồng/doanh nghiệp (mục tiêu 2021 - 2025 là 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Trên cơ sở thực hiện 2021 - 2023, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 số doanh nghiệp thành lập mới đạt 4.204 doanh nghiệp, đạt 100,7% so với mục tiêu đề ra (mục tiêu: 4.175 doanh nghiệp). Tổng vốn đăng ký thực hiện ước trong 5 năm 2021 - 2025 là 31.770 tỷ đồng, tăng 12,3% so với tổng vốn đăng ký tại kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển doanh nghiệp năm 2023; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch hành động 262 ngày 27-8-2021 thực hiện Nghị quyết 07 ngày 26-7-2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, như tập trung cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp…

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)
 

 

 



 

.
.
.