Thứ Tư, 12/07/2023, 09:28 (GMT+7)
.
NỬA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI: TIỀN GIANG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

BÀI CUỐI: Vững vàng tiếp bước

BÀI 1: Lấy lại đà tăng trưởng

BÀI 2: Định hình sản phẩm chủ lực

BÀI 3: Tạo đà cho các vùng kinh tế động lực

BÀI 4: Kiến tạo môi trường đầu tư mới

Đi qua nửa chặng đường, dưới tác động của nhiều yếu tố bất lợi, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Tiền Giang đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Thế nhưng, để hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu được đề ra đến năm 2025, Tiền Giang cần nhiều giải pháp hiệu quả.

Theo đánh giá sơ bộ, một số chỉ tiêu được đề ra chưa đạt như mong muốn do tác động của nhiều yếu tố khách quan, tác động lớn nhất vẫn từ dịch Covid-19.

NHIỀU YẾU TỐ TÁC ĐỘNG

Nhìn một cách tổng thể, bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, rất phức tạp, khó lường, đặc biệt nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ổn định, tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Tiền Giang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025.
Tiền Giang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, năm 2021 là năm đầu thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, Nghị quyết  07 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025...

Song song đó, để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang, kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên những kết quả đạt được đến thời điểm hiện nay, dự báo Tiền Giang có thể đạt và vượt nhiều chỉ tiêu vào năm 2025, như: Kim ngạch xuất khẩu; lao động, việc làm, công tác dạy nghề và đào tạo lao động; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; số bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ học sinh huy động so dân số trong độ tuổi ở các bậc học; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia...

Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới cũng mang lại những dấu ấn quan trọng. Dự kiến đến năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 huyện đạt nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 65 xã nông thôn mới nâng cao và từ 15 - 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Thông qua thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, theo đánh giá chung, Tiền Giang đã đạt được một số kết quả ấn tượng. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - giá hiện hành) không ngừng gia tăng, năm 2020 đạt 99.861 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng lên 112.462 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2023 đạt gần 123.582 tỷ đồng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi và tăng nhanh trở lại, đạt lần lượt là: Năm 2021 là âm 0,91%, năm 2022 tăng 7%, dự kiến năm 2023 ước tăng 7%; như vậy trong 3 năm (2021 - 2023) tăng bình quân 4,3%/năm.

Để đạt mức tăng trưởng thấp nhất của mục tiêu kế hoạch đề ra vào năm 2025 (tăng bình quân 7%/năm), bình quân 3 năm 2023 - 2025 tăng trưởng của Tiền Giang ít nhất phải đạt từ 9,7% trở lên. Tuy nhiên, dựa trên kết quả trong 2 năm đầu thực hiện và dự báo 3 năm còn lại của kế hoạch, Tiền Giang cần phải phấn đấu rất nhiều mới đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Một trong những chỉ tiêu mang lại con số ấn tượng hơn đó là kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng bình quân 10,4%/năm, ước năm 2023 thực hiện 4,1 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 4,67 tỷ USD, vượt 3,78% so chỉ tiêu đề ra (kế hoạch năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD), với tốc độ tăng bình quân giai đoạn này ước 8,9%/năm.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, theo chiều hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp so với kế hoạch; kinh tế của tỉnh vẫn còn phát triển theo chiều rộng, theo số lượng, chưa phát triển theo chiều sâu, giá trị gia tăng chưa cao, nhất là trong sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ...; thu hút đầu tư còn gặp khó khăn, môi trường đầu tư còn phải tiếp tục cải thiện...

TIẾP TỤC NỖ LỰC

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nửa chặng đường vừa qua, nhưng để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đến năm 2025 là điều không phải dễ dàng và rất cần sự nỗ lực lớn hơn. Bởi theo đánh giá sơ bộ, hiện nay Tiền Giang còn một số chỉ tiêu có mức đạt thấp, chẳng hạn như GRDP bình quân đầu người (năm 2023 dự kiến chỉ đạt 69 triệu đồng/người, kế hoạch đến 2025 đạt từ 91,5 - 93,5 triệu đồng); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước thực hiện 30.229 tỷ đồng, đạt hơn 39% so với kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 (77.000 tỷ đồng)...

Các chỉ tiêu này tùy thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều bị ảnh hưởng, mức tăng trưởng đạt được thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu khác.

Đi tiếp chặng đường còn lại, Tiền Giang cũng xác định tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI giảm, thị trường bất động sản nhiều khó khăn… là sức ép rất lớn đối với điều hành tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cả năm.

Chưa kể, Trung Quốc đẩy mạnh tăng trưởng, vừa là cơ hội cho xuất khẩu, cũng vừa là thách thức, gia tăng áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, sản xuất, thị trường trong nước. Bên cạnh đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán... tiếp tục diễn biến bất thường.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tiền Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm vẫn là các chính sách về phát triển kinh tế như: Công tác quy hoạch, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, xuất khẩu cũng như tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính…

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn tập trung thực hiện có hiệu quả về liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là tập trung đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng mang tính động lực.

Theo đó, Tiền Giang sẽ tăng cường phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, để sớm hoàn thành như: Dự án Nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2), cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh...

Đồng thời, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường tỉnh 864 nối dài (đường dọc sông Tiền); nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An; nâng cấp mở rộng các đường tỉnh (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp); đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (nối từ cao tốc vào huyện Tân Phước)...

Để đạt mục tiêu Tiền Giang là tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025 là việc không phải dễ dàng. Đây là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Đây cũng là kết quả của sự đồng thuận cùng hướng về mục tiêu chung của Tiền Giang.

ANH PHƯƠNG

.
.
.