Tiền Giang: Đề xuất đầu tư tuyến phà biển từ huyện Gò Công Đông đi Cần Giờ
(ABO) Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon, hiện đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh phối hợp với TP. Hồ Chí Minh về đầu tư tuyến phà biển kết nối thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông với huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh để tạo thuận lại cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển du lịch của 2 địa phương.
Dự kiến, tuyến phà biển này sẽ đưa vào hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán 2024.
Vị trí dự kiến đầu tư tuyến phà biển. |
Theo báo cáo đề xuất phương án khai thác tuyến phà biển này, vị trí dự kiến mở bến phía huyện Cần Giờ có vị trí tại xã Long Hòa; đầu bến phía huyện Gò Công Đông có vị trí xây dựng tại khu vực cảng cá Vàm Láng cũ.
Ngành GTVT Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư tuyến phà biển này với cự ly khoảng 12 km (1 chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút.
Thời gian chạy tàu vào ban ngày, từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày và trong điều kiện gió không quá cấp 6, tầm nhìn xa tốt; tối thiểu 4 chuyến/1 ngày (4 lượt đi, 4 lượt về). Tùy vào lượng hành khách thực tế, nhà đầu tư có thể tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuyến phà sẽ có tối thiểu 2 phương tiện. Về cầu bến, đầu bến phía huyện Cần Giờ do huyện Cần Giờ quản lý.
Tại đây hiện có cầu bến bằng bê tông cốt thép, kích thước cầu bến dài 17 m, rộng 5 m, kết nối vào bờ bằng 2 cầu dẫn bê tông cốt thép, với kích thước một cầu dẫn dài 28 m, rộng 3,5 m.
Đối với đầu bến huyện Gò Công Đông, UBND huyện Gò Công Đông sẽ đầu tư xây dựng đoạn đường dài khoảng 100 m từ bến phà đến đường từ đường huyện 10 vào Chợ đầu mối thủy hải sản Vàm Láng.
Việc đầu tư tuyến phà biển này sẽ theo hình thực xã hội hóa. Chi phí xây dựng bến và phương tiện khai thác do nhà đầu tư chịu trách nhiệm.
Sau khi phương án kêu gọi đầu tư, khai thác tuyến phà được UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất, chấp thuận chủ trương, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ trì tham mưu trong việc thành lập Tổ Công tác xây dựng tiêu chí, lựa chọn doanh nghiệp khai thác có năng lực, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, tuyến phà khi đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện phát triển vận tải hành khách và hàng hóa từ Tiền Giang đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 3-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã đề xuất sớm hợp tác với TP. Hồ Chí Minh để cụ thể hóa 4 nội dung.
Trong đó, có nội dung đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ đi huyện Gò Công Đông và ngược lại.
ANH THƯ - HOÀNG LONG