Thứ Năm, 20/07/2023, 09:35 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Liên kết tạo nguồn lực phát triển

Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trở thành chìa khóa quan trọng cho ngành Nông nghiệp phát triển, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ. Rất nhiều dự án, kế hoạch sản xuất ra đời và phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực khác nhau cũng được khơi nguồn từ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước.

TẠO NỀN TẢNG

Để phát huy hiệu quả các chủ trương liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vai trò của các hợp tác xã (HTX) là rất quan trọng. Đây là nền tảng để kết nối giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá về chủ trương khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai thực hiện thời gian qua, ông Võ Minh Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới (huyện Gò Công Tây) cho biết, HTX được phê duyệt kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ rau giai đoạn 2020 - 2022 cùng 27 hộ dân tham gia, với diện tích hơn 7 ha, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 2,8 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng tham gia liên kết hơn 2,31 tỷ đồng và ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 545 triệu đồng (chiếm gần 20%).

Liên kết sản xuất góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
Liên kết sản xuất góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

“Kết quả cho thấy, tổng doanh thu của HTX năm 2022 đạt gần 13 tỷ đồng, thành viên khi tham gia vào HTX được tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 500 - 2.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, tạo việc làm cho 40 - 60 lao động thời vụ, với mức lương bình quân khoảng 4,8 - 6,2 triệu đồng/tháng; từ đó giúp thành viên và người lao động có thêm thu nhập góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Thị trường chính của HTX là cung cấp cho các chuỗi siêu thị như: Bách Hóa Xanh, Vinmart, Co.opmart, các bếp ăn công nghiệp, với sản lượng liên kết khoảng 450 tấn/năm…”- ông Võ Minh Luân cho biết.

Cùng chung nhận định về những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai tinh thần Nghị định 98 và các chủ trương của tỉnh, ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Hòa cho rằng, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc HTX đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây) thực hiện kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống, với quy mô gần 35 ha, cùng 56 hộ dân tham gia và được UBND huyện Gò Công phê duyệt kế hoạch, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó số tiền được hỗ trợ hơn 584 triệu đồng.

Đây cũng là dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được phê duyệt đầu tiên của huyện Gò Công Tây. “Nông dân tham gia liên kết được hỗ trợ 4,75 triệu đồng/ha sản xuất lúa hàng hóa và 4,85 triệu đồng/ha sản xuất lúa giống; được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác và bao tiêu 100% sản phẩm lúa cho Công ty TNHH Vinh Hiển và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg.

Trong quá trình sản xuất, công ty sẽ đặt cọc trước cho nông dân là 2 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch thanh toán hoàn tiền cọc lại. “Dự án giúp cho quy mô hoạt động của HTX ngày càng được mở rộng, phát triển thêm thành viên, từ 21 lên 111, đặc biệt trong đó có Công ty TNHH Vinh Hiển là thành viên HTX. Lợi nhuận của HTX ngày càng tăng. Từ đó, thu nhập của thành viên được nâng cao, uy tín của HTX được nâng lên, xã viên ngày càng gắn bó với HTX. Nhìn chung, chính sách thực hiện vừa qua hợp lòng dân, nông dân được hưởng lợi và rất phấn khởi với chủ trương chung”- ông Mai Văn Mai cho biết.

TÍCH CỰC TRIỂN KHAI

Thông qua chủ trương chung, các địa phương cũng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, gắn với lợi thế từng vùng. Theo UBND huyện Gò Công Tây, đến nay huyện đã triển khai thực hiện được 8 dự án, kế hoạch liên kết (6 kế hoạch liên kết trên cây lúa và 2 dự án, kế hoạch liên kết trên cây rau) cho 8 HTX (Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Hòa, Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới, Hòa Thạnh, Rau an toàn Thạnh Hưng, Nông nghiệp Lợi An, Nông nghiệp Dịch vụ nông thôn Bình Nhì…).

Đến nay, đã có 2 kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Hòa và HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới đã thực hiện xong. Trong giai đoạn năm 2022 - 2023, huyện đang thực hiện tiếp 14 dự án, trong đó 3 dự án, kế hoạch đã phê duyệt (Kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ lúa xã Long Bình, Dự án Liên kết tiêu thụ lúa xã Thạnh Trị, Kế hoạch liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa xã Bình Phú), còn lại đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ trình tổ thẩm định, với tổng kinh phí dự kiến 27,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến tháng 7-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 29 dự án, kế hoạch liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được phê duyệt, triển khai thực hiện trên nhiều địa phương, lĩnh vực trong ngành Nông nghiệp và không ngừng phát huy hiệu quả, với sự tham gia của 29 HTX nông nghiệp, 55 doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra) cùng với 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản, với các hình thức liên kết: Tổ chức sản xuất, thu hoạch sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch và gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tổng  nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho 29 dự án, kế hoạch liên kết giai đoạn 2018 - 2023 hơn 107 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 19 tỷ đồng; tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đã giải ngân cho các giai đoạn của các dự án, kế hoạch tính đến ngày 31-12-2022 đạt 6,85 tỷ đồng. Việc tham gia mô hình liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia liên kết: Doanh nghiệp, HTX tham gia sẽ có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng; giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua các hợp đồng liên kết, tạo việc làm cho người dân; tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn; đồng thời, việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường...

Theo đánh giá chung, các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đã phát huy được thế mạnh của vùng về xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Gò Công”, “Dưa hấu Gò Công”, “Mai nu chiếu thủy Gò Công”. Từ đó, hình thành các vùng chuyên canh như: “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” tại 4 xã (Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Long Bình, Bình Tân) với quy mô 1.750 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bên ngoài mô hình, vùng chuyên canh trồng rau màu VietGAP với diện tích hơn 35 ha, vùng chuyên canh cây bưởi da xanh xuất khẩu sang Hoa Kỳ với diện tích hơn 67 ha. Trong liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng đã gắn liền với xây dựng mã số vùng trồng, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, phát triển du lịch sinh thái (HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý - Công ty TNHH Đông trùng Hạ thảo Thiên Ân).

Huyện Châu Thành cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai chủ trương khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Căn cứ Kế hoạch 372 ngày 10-12-2021 của UBND tỉnh về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, huyện Châu Thành có 15 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay đã xây dựng 4 dự án và 1 kế hoạch, còn lại 10 dự án liên kết huyện tiếp tục xây dựng, thực hiện trong năm 2023.

Qua thời gian triển khai cũng cho thấy, việc thực hiện dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành cũng gặp một số khó khăn như: Quy trình thủ tục phức tạp, nhiều chủ đầu tư, chủ yếu là HTX ngại đăng ký tham gia xây dựng kế hoạch, dự án liên kết; chủ đầu tư phải có nguồn vốn đối ứng trước để thực hiện kế hoạch, dự án nên nhiều chủ đầu tư vẫn còn e ngại do không đủ vốn; nhận thức của nông dân về liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao…

A.P

.
.
.