Tiền Giang: Ưu tiên phát triển cây ăn trái có lợi thế so sánh
(ABO) Tiếp tục thực hiện Đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong nửa chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
TẬP TRUNG ĐỀ ÁN, DỰ ÁN
Dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cho rằng, biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá cả đầu vào tăng cao vẫn là những nguyên nhân chính tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân. Chưa kể, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, là cơ hội để hàng nông sản có lợi thế so sánh xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tiền Giang tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025. |
Theo Nghị quyết số 25/NQ-HĐND tỉnh Tiền Giang, ngành Nông nghiệp thực hiện 4 chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu về cấp nước sinh hoạt nông thôn và thực hiện ba khâu đột phá. Theo đó, đến nay tốc độ tăng trưởng giai đoạn cuối năm 2021- 2023, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp dần phục hồi sau năm 2020 - là năm mà ngành Nông nghiệp Tiền Giang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhất trong hàng chục năm qua (hạn, xâm nhập mặn lịch sử; dịch tả lợn châu Phi; dịch bệnh Covid-19) và khoảng giữa năm 2021 ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, năm 2021 đạt mức tăng trưởng 0,68 %, năm 2022 đạt mức tăng trưởng 3,54%; bình quân 2 năm tăng 2,1 %/năm; ước năm 2023 đạt mức tăng trưởng 3,5%... |
Trước dự báo tình hình, để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án: Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang và các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các nông sản chủ lực: Thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, sản phẩm chim cút, gà ác.
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến; xúc tiến việc xây dựng thương hiệu; xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất; chăn nuôi và nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học - ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao gắn liên kết tiêu thụ, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn duy trì và mở rộng các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng mới, đặc biệt là sầu riêng phục vụ xuất khẩu theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật và Nghị định thư...
LỰA CHỌN LỢI THẾ
Liên quan đến sản xuất và công tác phòng, chống dịch bệnh, theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, ngành Nông nghiệp sẽ phát huy lợi thế ngành hàng trái cây đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Theo đó, ưu tiên phát triển các cây ăn trái có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn như: Sầu riêng, thanh long, mít, khóm...; có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây ăn trái có triển vọng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sapo.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung củng cố, nâng chất vùng trồng cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1; từng bước chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, rau chuyên canh vùng giữa đường Quốc lộ 1 và phía Nam đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; chuyển dần sang trồng cây ăn trái tại vùng trồng lúa phía Bắc đường cao tốc khi đủ điều kiện; phát triển ngành hàng rau quả theo hướng áp dụng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khóm là một trong những loại cây phù hợp với vùng đất Tân Phước và được ưu tiên phát triển. |
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, bảo bảo an toàn thực phẩm đối với các vùng trồng tập trung hiện có ở huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công.
Riêng đối với sản xuất lúa gạo, ngành Nông nghiệp sẽ duy trì các vùng sản xuất lúa tập trung phía Bắc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từng bước chuyển sang trồng cây ăn trái khi đủ điều kiện) và vùng Dự án ngọt hoá Gò Công (thuộc huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công) với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị; vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả nhất.
Đồi với lĩnh vực thủy sản, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ ưu tiên phát triển vùng nuôi tôm chuyên canh của huyện Tân Phú Đông (xã Phú Tân, Phú Đông, Tân Thạnh, Phú Thạnh) và ở các xã ven biển của huyện Gò Công Đông (Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận, Phước Trung).
Ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, giảm sức ép lên môi trường; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản tại các vùng nuôi chuyên canh; duy trì diện tích nuôi nghêu ở khu vực ven biển huyện Gò Công Đông (xã Tân Thành); phát triển vùng nuôi cá bè trên sông Tiền theo hướng từng bước chuyển đổi sang các đối tượng có giá trị kinh tế cao theo chuỗi liên kết.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp chú trọng phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần số tàu nghề lưới kéo, gia tăng năng lực bảo quản, chế biến của đội tàu dịch vụ hậu cần; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa và ưu tiên đầu tư nâng cấp Cảng cá Vàm Láng, di đời Cảng cá Mỹ Tho để phát huy lợi thế về dịch vụ hậu cần...
TA