Thứ Hai, 24/07/2023, 08:35 (GMT+7)
.
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long

"Bắt tay" hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ liên kết hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực.

HỢP TÁC TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

Thời gian qua, Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Do đó, việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điều này nhằm tạo cầu nối để doanh nghiệp (DN) các bên liên kết, hợp tác với nhau.

TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Tiền Giang và các tỉnh để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Tiền Giang và các tỉnh để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong năm 2023, TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối DN TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại.

Trong năm 2024 - 2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tập trung thực hiện hợp tác trên 5 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Cụ thể, về phát triển hạ tầng giao thông, các địa phương sẽ phối hợp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai Dự án Mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, phối hợp Bộ GTVT triển khai Dự án Đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL.

Trên lĩnh vực du lịch, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 2080 ngày 23-6-2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn năm 2021 - 2025. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Về hoạt động hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương sẽ tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai; hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu.

Một trong những nội dung quan trọng là đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

Trên lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các địa phương sẽ tổ chức các hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững; xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng phục vụ hoạt động điều phối vùng; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Riêng lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, các địa phương sẽ xây dựng Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám, chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đề án kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực cho vùng; thực hiện chương trình kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm.

CHỦ ĐỘNG, SẴN SÀNG CHO LIÊN KẾT

Với vị trí cửa ngõ vùng ĐBSCL, thời gian qua, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Đến đầu năm 2023, Tiền Giang đã thu hút được 28 dự án đầu tư của các DN TP. Hồ Chí Minh và DN có người đại diện theo pháp luật là cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh đã xây dựng được 68 chuỗi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để cung cấp hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với tỉnh rất hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, phát triển thương mại. Đặc biệt, các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh đều có liên kết với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị công bố hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Hội nghị công bố hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, sau Hội nghị công bố hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành nâng cao thêm vai trò hợp tác những chương trình trước đây. Đồng thời, tham mưu mở rộng thêm các chương trình hợp tác khác mà Tiền Giang có lợi thế mới.

Tiền Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để việc hợp tác tốt hơn. Dư địa của Tiền Giang là quỹ đất phát triển công nghiệp còn, Tiền Giang mong muốn TP. Hồ Chí Minh giới thiệu các DN đến tỉnh để đầu tư nhằm khai thác lợi thế này. Về lĩnh vực y tế, Tiền Giang muốn thành lập một cụm y tế chuyên sâu. Hiện tỉnh còn quỹ đất ngay vị trí của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Tiền Giang muốn mời gọi các nhà đầu tư có kỹ thuật cao đến để đầu tư, nhằm có sự phối hợp phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận lợi hơn.

Còn theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, trong thời gian tới, thành phố sẽ từng bước cụ thể hóa các nội dung trong chương trình hợp tác phát triển với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và quyết tâm thực hiện. Trước hết, ở lĩnh vực giao thông, 2 phía đã cùng bàn về đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, cùng với đó là một số nội dung khác như: Đường ven biển; hành lang kinh tế từ TP. Hồ Chí Minh đi Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và đường hàng không.

Phía TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm mời tư vấn nghiên cứu các nội dung thật bài bản mặc dù chi phí này rất lớn. Sau khi có kết quả, thành phố sẽ bàn bạc cùng các tỉnh, thành để từng bước thực hiện. TP. Hồ Chí Minh đang rất tập trung thúc đẩy tuyến đường ven biển kết nối miền Đông xuống ĐBSCL.

Thành phố đề nghị Tiền Giang sớm mở tuyến phà từ huyện Gò Công Đông sang huyện Cần Giờ. Hiện thành phố đã có phà Cần Giờ sang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu kết nối được thì hoàn toàn phát huy được tiềm năng du lịch dọc theo tuyến ven biển miền Đông về miền Tây, có thể tiết kiệm được 2 - 3 giờ đồng hồ so với tuyến đường bộ hiện nay.

Đồng chí Phan Văn Mãi giao Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hợp tác du lịch giữa thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể là làm sao định hình lại các tour tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương ĐBSCL và khai thác hết được kỳ nghỉ của khách trong nước và khách quốc tế. Các địa phương ĐBSCL cũng cần thể hiện rõ hơn bản sắc của một vùng du lịch đặc thù, không phải là hình ảnh từng địa phương riêng lẻ, rời rạc.

Kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế các tỉnh, thành ĐBSCL, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Do đó, các tỉnh, thành đều thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện các nội dung hợp tác.

M. THÀNH

.
.
.