.

Trồng khóm ở Đồng Tháp Mười thu tiền tỷ mỗi năm

Cập nhật: 10:15, 17/07/2023 (GMT+7)

Từ vùng đồng khô, cỏ cháy, nổi danh là “rốn phèn, rốn lũ”, dân cư thưa thớt, sau nhiều năm người dân kiên trì khai hoang, nhà nước hỗ trợ cải tạo, đến nay vùng Đồng Tháp Mười trong đó có huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) như khoác lên mình một chiếc áo mới đủ sắc màu. Hết thảy là nhờ cây khóm, một loại cây được mệnh danh là cây xoá đói giảm nghèo, cây chủ lực góp phần phát triển kinh tế địa phương.

a
Cây khóm, một loại cây được mệnh danh là cây xoá đói giảm nghèo, cây chủ lực góp phần phát triển kinh tế huyện Tân Phước

Hồi sinh vùng đất “chết”

Cách đây hơn 30 năm, ông Đỗ Văn Định quê ở Vĩnh Long cùng gia đình dắt díu đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Nhưng dù gia đình ông làm cả ngày lẫn đêm, dù cong lưng chạy nhưng cái nghèo vẫn còn đeo bám. Được biết vùng Tân Phước đất rộng nhưng dân cư thưa thớt, gia đình ông quyết tâm chuyển đến khai hoang để chấm dứt cuộc sống làm thuê.

a
Người dân khai hoang rừng tràm ngập nước để trồng khóm

Đây là vùng rừng tràm ngập nước nhiễm phèn nên ông Định đã chọn một điểm cao ráo che bạt dựng lều ở tạm. Vì từng “phiêu bạt” nhiều nơi nên ông Định hiểu được thổ nhưỡng, ông quyết định cải tạo đất trồng khoai mỡ nhưng do hiệu quả kinh tế chưa cao vì đầu ra không ổn định. Ông chuyển sang chặt tràm, lội nước dùng xẻng xúc đất lên liếp rồi lặn lội đi các tỉnh miền Tây tìm mua cây khóm con về trồng.

a
Mỗi hộ gia đình trồng khóm tại huyện Tân Phước sở hữu ít nhất vài hecta

Ông Định nhớ lại, quê nhà Vĩnh Long có mỗi cái nền để ở, nông dân ngoài việc làm thuê thì đâu biết làm gì nên phải tha hương cầu thực. Tìm đến đây, vùng tràm hoang hóa nước ngập đỏ như nước cau. Mùa lũ thì lênh láng như cái biển, mùa khô thì đất nứt, cỏ cháy, ngoài cây khoai mỡ và cây khóm ra thì không có cây gì có thể sinh trưởng được.

“Sau khi đốn tràm, chúng tôi đã trầm mình năm này qua năm nọ dưới nước phèn để lên liếp. Dù mỗi ngày chỉ đắp chừng 15 - 20m nhưng kiên trì làm từ ngày này qua tháng nọ, từ 1 - 2 ha, làm đến đâu trồng khóm đến đó. Hàng chục năm liền vừa cải tạo vừa trồng, thu hoạch đồng thời mở rộng diện tích, đến nay gia đình tôi đã sở hữu được hơn 7ha khóm, mỗi năm trừ chi phí còn dư khoảng gần 1 tỷ đồng”, ông Định chia sẻ.

a
Đưa khóm về bến

Cũng như ông Định, là một trong những bậc cao niên đầu tiên khai hoang trồng khóm, ông Cao Văn Sáng quê ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cùng gia đình tìm đến vùng rừng tràm này để “xóa khó, giảm nghèo”. Qua hơn 30 năm cần mẫn chịu khó, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, gia đình ông Sáng không chỉ thoát nghèo, mà còn trở nên giàu có với hơn 8ha đất trồng khóm, nhà cửa khang trang, mỗi năm túc tắc làm cũng thu về hơn tỷ đồng.

a
Khóm tạo nguồn thu nhập khá cho bà con

 

a
Tập kết khóm sau thu hoạch

Ông Sáng chia sẻ, hồi đó cơ giới hóa chưa có nên tất cả mọi công đoạn phải làm bằng tay, chân và kinh nghiệm. Ví như trồng khóm phải biết né lũ, cứ khoảng tháng 12 năm nay trồng cho đến tháng 4 năm sau bắt đầu xử lý cho đến tháng 8 ăn một đợt rồi ngưng chờ lũ rút đến tháng 12 làm tiếp.

Nhưng từ khi nhà nước đầu tư đê bao, nạo vét kênh mương, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng khóm thì người dân chỉ cần đầu tư có 1 lần nhưng có thể thu hoạch liên tục đến 3 năm sau đó mới phá bỏ trồng mới. “Làm vậy không giàu được mới lạ”, ông Sáng rôm rả.

a
Người dân trao đổi thông tin khi làm khóm

 

a
Cắt cuốn và ngọn khóm để xuất khẩu

Vùng khóm Tân Phước hiện nay không chỉ có khóm ăn trái mà còn có loại khóm phụng (khóm kiểng để chưng tết) sinh trưởng tốt và có giá thành rất cao. Mỗi “đại gia” khóm sở hữu ít nhất cũng hơn 5ha và 2 thế hệ liền kề trong gia đình làm khóm. Ngoài ra, nhiều người dân còn mở vựa khóm làm đầu mối thu mua và là điểm tập kết trung chuyển khóm đi các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu.

Đổi mới nhờ... khóm

Chính quyền địa phương và người dân từ nhiều nơi đến đây chung sức biến huyện Tân Phước hoang hóa nghèo nàn ngày nào trở thành vùng đất trù phú nổi tiếng như hôm nay với gần 16.000ha khóm chuyên canh, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 260.000 tấn, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

a
Thương lái đến mua khóm

Tân Phước là địa phương đứng nhất, nhì cả nước về diện tích cây khóm. Hiện, địa phương có 15 HTX và khoảng 150 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Một số đơn vị đang triển khai nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với đó, người người nhà nhà đến khai hoang lập nghiệp, không chỉ trồng khóm mà còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo đất trồng cây ăn trái bước đầu đạt hiệu quả cao như: dưa lưới, bơ 034, mít, thanh long… diện tích gần 2.500ha. Đặc biệt, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với khoảng 100ha ở xã Thạnh Tân có hơn 1.000 chim thú sinh sôi với nhiều loài chim quý hiếm về trú ngụ mỗi năm có thể phục vụ người dân và du khách tham quan về với thiên nhiên vùng đất ngập nước hoang sơ.

a
Trao đổi mua bán

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, thị trường vẫn rất “tự do”, không có gì bảo đảm chắc chắn trong việc tiêu thụ hàng hóa của người trồng khóm. Vì vậy, để mở rộng củng cố thị trường, vừa qua, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng đã phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu (gồm Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Thuỵ Sĩ) tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu khóm sang thị trường châu Âu.

Theo ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, sau gần 30 năm thành lập huyện Tân Phước (1994 - 2023), huyện đã trở thành một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu quan trọng của tỉnh Tiền Giang với những thương hiệu nổi tiếng như khóm, thanh long, lúa năng suất cao, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế khác.

a
Ghe xuồng tấp nập mỗi ngày trên các bến khóm tại Tân Phước

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh khai hoang sản xuất vùng Đồng Tháp Mười, ổn định đời sống nhân dân miền đất mới, huyện Tân Phước định hình vùng trồng khóm chuyên canh trên 17.000ha, mỗi năm đạt sản lượng trên 340.000 tấn trái, lớn nhất khu vực sông Tiền.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.