.

Việt Nam nắm quyền chủ động, giá gạo xuất khẩu có thể đạt 1.000 USD/tấn

Cập nhật: 10:11, 26/07/2023 (GMT+7)

Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, còn hạn hán khiến nguồn cung gạo Thái Lan giảm cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu. Việt Nam đang nắm quyền chủ động trên thị trường gạo khi giá có thể tái lập mốc hiếm có năm 2008, tới 1.000 USD/tấn.

Giá gạo tăng từng ngày

Nguồn cung gạo toàn cầu vốn đang đối mặt với sự thiếu hụt lớn do ảnh hưởng bởi El Nino thì mới đây, Ấn Độ lại quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thưởng khiến thị trường gạo gặp cú sốc lớn. Bởi, Ấn Độ là nhà cung ứng gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Đáng chú ý, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới - cũng lo ngại sản lượng gạo trong năm nay có thể giảm vì nhiều vùng trồng lúa xứ chùa Vàng đối mặt tình trạng hạn hán, lúa mất mùa.

Giới chuyên gia trên thế giới nhận định, Ấn Độ sẽ phá vỡ thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Ukraine đã làm trên thị trường lúa mì sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt tại quốc gia này.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% cây trồng sử dụng nhiều nước này được sản xuất ở châu Á, nơi El Nino tác động lớn nên thường mang lại lượng mưa thấp hơn bình thường.

Giá gạo trên thế giới hiện quanh mức cao nhất trong 11 năm. Nhiều quốc gia phụ thuộc lớn vào gạo Ấn Độ đang tìm nguồn thay thế đẩy giá gạo tăng từng ngày.

Ngày 25/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vọt lên mức 543 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với ngày 19/7 (thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo), còn so với ngày 30/6 giá gạo đã tăng thêm 35 USD/tấn.

Tương tự, giá gạo cùng loại của Thái Lan ngày 19/7 ở mức 541 USD/tấn, nay tăng lên 573 USD/tấn.

Các loại gạo 25% tấm của Việt Nam và Thái Lan cũng tăng 20 USD/tấn so với phiên giao dịch hôm 19/7, lần lượt lên mức 523 USD/tấn và 522 USD/tấn.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia lúa gạo GS. Võ Tòng Xuân cho biết, thị trường gạo theo cung cầu. Hiện cung ít hơn cầu nên giá dự báo còn tăng mạnh.

Theo ông Xuân, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới. Song, Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu Thái Lan bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Trong khi, nước ta có bộ giống cây ngắn ngày cho năng suất cao, trồng được 3 vụ nên chủ động được nguồn cung gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Chúng ta không quá lo tới vấn đề an ninh lương thực.

b

Giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên mức 1.000 USD/tấn (Ảnh: Hoàng Hà)

Đối tác tìm mua gạo Việt, chủ động trả giá cao

“Giá gạo tại thị trường nội địa những ngày này rất sôi động. Nông dân được hưởng lợi do giá tăng”, ông Xuân chia sẻ.

Năm 2008, lượng dự trữ gạo trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, Thái Lan đã tận dụng cơ hội này xuất khẩu gạo với giá hơn 1.000 USD/tấn - mức giá cao hiếm có trong lịch sử.

Nay, nguồn cung gạo toàn cầu cũng thiếu hụt lượng lớn, ông Xuân cho rằng, quyền chủ động trên thị trường gạo thế giới đang thuộc về Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đàm phán để có mức giá xuất khẩu tốt nhất. Bởi, rất có thể giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ một lần nữa chạm mốc 1.000 USD/tấn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, khi có thời điểm lên tới hơn 1.000 USD/tấn.

Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất gắn với thị trường, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp chốt thời điểm ký hợp đồng với giá phù hợp để đem lại giá trị cao cho hạt gạo Việt Nam, cũng như tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, nhất là nông dân trồng lúa, ông cho hay.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thừa nhận, giá gạo mấy ngày nay biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Theo ông Nam, giá gạo tăng cao nhưng cũng sẽ hạ nhiệt. Thế nên, doanh nghiệp cần thu mua nhanh, đảm bảo lượng gạo trong kho mới tiến hành ký hợp đồng xuất khẩu. Như vậy sẽ tránh được tình trạng mua cao bán thấp.

GS. Võ Tòng Xuân lưu ý thêm, nước ta sắp bước vào vụ thu hoạch lúa tiếp theo trong năm. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu năm nay có thể vượt 7,5 triệu tấn. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán thu mua lúa và thương thảo hợp đồng xuất khẩu với đối tác sao cho có lợi nhất. Không nên ký hợp đồng khi trong kho không còn lúa gạo dự trữ.

Không chỉ những hợp đồng ngắn hạn, ông Xuân cho rằng doanh nghiệp nên mạnh dạn kết nối với nhà nhập khẩu nước ngoài để tính chuyện làm ăn lâu dài, sắp xếp lại giá xuất khẩu. Bởi, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nguồn cung gạo trên toàn cầu chắc chắn sẽ căng thẳng, an ninh lương thực đang khiến nhiều quốc gia phải đau đầu. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này nên sản lượng lúa gạo mấy năm nay rất ổn định, đảm bảo có lượng gạo xuất khẩu hàng năm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp lớn tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc gạo, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo và đề xuất giải pháp phù hợp.

Theo VietNamNet

.
.
.