Xuất khẩu trái cây, gạo bứt phá
Theo Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,5 tỷ USD.
Nổi bật là xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhất với hơn 2,7 tỷ USD tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD tăng 22% về khối lượng và 34% về giá trị xuất khẩu; cà phê đạt 2,41 tỷ USD (tăng 3%); hạt điều đạt 1,62 tỷ USD (tăng 7,7%)...
Dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm nay, rau quả có thể đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, trong đó sầu riêng đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đã đạt 1,3 tỷ USD. Trước đó, cả năm 2022, sầu riêng chỉ xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Về gạo, 5 tháng đầu năm nay, Philippines đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và dự báo năm nay, nước này sẽ còn nhập thêm 1,5 triệu tấn.
Năm 2022, Indonesia không mua gạo của Việt Nam nhưng năm nay dự kiến mua 1 triệu tấn; Trung Quốc cũng có thể mua thêm 500.000 tấn. Trong bối cảnh Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo cho khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đang xem xét tạm ngưng xuất khẩu gạo, nhiều nước đang tìm đến gạo Việt Nam; những yếu tố trên sẽ là cơ hội phát triển tốt cho thị trường gạo Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi ở mức 5,6% trong năm 2023. Đây là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, do đó khả năng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 5-2023, thị trường Mỹ đã cho thấy dấu hiệu tốt dần lên. Tương tự, tại thị trường Nhật Bản, với sự kết nối của các tham tán thương mại, nhiều doanh nghiệp đã kết nối hợp tác được với các doanh nghiệp Nhật Bản. Với những động thái này, theo nhiều chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có cơ sở đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản như mục tiêu đề ra.
Theo sggp.org.vn