Cần 700 tấn giun đất khô, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom lượng lớn
Nhu cầu sử dụng giun đất khô lên tới gần 700 tấn mỗi năm đẩy giá mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc vọt tăng 10 lần. Thương lái Trung Quốc sang nước ta gom mua lượng lớn đem về chế biến.
Ở Trung Quốc, giun đất được gọi là địa long (rồng đất). Loại giun này được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền từ gần 2.000 năm qua. Theo số liệu năm 2021, hơn 57% số giun đất bán ra trên thị trường được sử dụng cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, các nhà thuốc đông y nhập khoảng 28,5%, số còn lại được dùng trong lĩnh vực xuất khẩu và thực phẩm chức năng.
Nhu cầu sử dụng giun đất tại Trung Quốc tăng mạnh qua các năm, từ 400 tấn vào năm 2010 tăng lên 675 tấn vào năm 2020, tương đương 6.750 tấn giun đất tươi (10kg giun tươi sấy được 1kg giun khô).
Cũng bởi nhu cầu sử dụng cao đã đẩy giá giun đất trên thị trường Trung Quốc tăng vọt. Một người chuyên thu mua giun đất tại Trung Quốc cho biết, chỉ mấy năm trước, 1kg giun đất khô giá khoảng 70 NDT (9 USD) nhưng nay người mua phải trả số tiền lên tới 280-300 NDT (38-41 USD) vẫn không có hàng để mua.
So với thời điểm cách đây 20 năm, giá giun đất tại thị trường Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần.
Trung Quốc tiêu thụ một lượng giun đất sấy khô rất lớn mỗi năm (Ảnh: Hội mua bán giun đất). |
Theo tiết lộ của chủ một cơ sở nuôi giun đất ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), dù đã mở rộng cơ sở nuôi của mình với sản lượng tăng gấp 5 lần ban đầu, nhưng nhiều thời điểm vẫn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường. Doanh thu hàng năm của cơ sở nuôi giun này đạt 1,9 triệu NDT (khoảng 264.000 USD).
Ngoài giun đất từ các nguồn cơ sở nuôi, tại Trung Quốc người dân ở nhiều vùng đã dùng kích điện bắt giun đất ngoài tự nhiên. Việc săn bắt giun đất còn được coi là "con đường làm giàu ở nông thôn" và gọi giun đất là "vàng sinh ra ở đất quê".
Song, săn giun đất bằng phương pháp kích điện gây nhiều hậu quả nghiêm trọng với đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Nguồn giun đất tự nhiên ở quốc gia này dần cạn kiệt, hành động kích điện bắt giun cũng bị phản đối kịch liệt.
Đây cũng là một phần nguyên nhân các thương lái sang Việt Nam gom mua giun đất sấy khô với số lượng lớn. Kéo theo, tại nhiều địa phương ở nước ta, kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ và trở thành vấn nạn thời gian gần đây, khiến các nhà vườn bất an, phải cầu cứu chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan vào cuộc.
Giun đất tươi bắt về được bán với giá từ 50.000-80.000 đồng/kg. Một đêm đi kích giun đất bán cho các lò sấy có thể kiếm được hàng triệu đồng. Do đó, nhiều người bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng địa phương vẫn đổ xô đi kích điện tận diệt giun đất.
Trên báo Lao Động, một chủ lò sấy tên Phong ở Hoà Bình chia sẻ, trung bình mỗi lò sấy được khoảng 3-4 tạ giun đất tươi một ngày. Thậm chí, có lò sấy được khoảng 1 tấn giun tươi.
Giun tươi được lò sấy thu mua với giá 65.000 đồng/kg. Khoảng 10kg giun tươi sau khi sơ chế đưa vào sấy sẽ thu được 1kg giun khô bán với giá 800.000 đồng. Với lượng giun tươi khoảng 3-4 tạ đưa vào sấy khô một ngày, trừ đi chi phí và tiền nhân công, chủ lò lãi khoảng 2 triệu đồng.
Thương lái Trung Quốc gom mua giun đất sấy ở nước ta với giá rất cao (Ảnh: Hội mua bán giun đất) |
Trên mạng xã hội, hoạt động mua bán giun đất cũng diễn ra tấp nập. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán giun đất”, kết quả cho ra hàng chục hội nhóm chuyên mua bán giun đất tươi và khô. Trong đó, hội nhỏ có vài nghìn thành viên, cũng có hội tới vài chục nghìn người tham gia mua bán.
Trong các hội mua bán này, giun đất sấy khô có giá dao động từ 700.000-850.000 đồng/kg tuỳ loại, cũng có người bỏ sỉ với giá 900.000 đồng/kg. Lượng giao dịch thường ở mức vài chục cân cho đến vài tạ mỗi lần.
Theo một số đầu mối bỏ sỉ giun đất sấy khô, đa phần người bán đều là các lò sấy hoặc mối sỉ nhỏ lẻ. Các đầu mối lớn sẽ gom mua để bán lại cho phía thương lái Trung Quốc.
Thời gian gần đây, do mưa nhiều, đất ẩm ướt nên giun đất sinh trưởng và phát triển tốt. Hoạt động kích điện bắt giun đất đem sấy khô bán sang Trung Quốc diễn ra nhộn nhịp hơn.
Tuy nhiên, việc kích điện bắt giun đất như hiện nay trở thành vấn nạn. Bởi hành động này không chỉ tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, mà còn làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ngoài ra, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), gợi ý, nếu thị trường có nhu cầu cao, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu mở hướng chăn nuôi giun đất thương phẩm.
Theo ông, giun đất là sinh vật bản địa, không thuộc hàng quý hiếm, có thể nuôi trồng quy mô lớn. Ở Trung Quốc cũng đã có những mô hình nuôi giun đất cho thu nhập cao.
Nước ta hiện nay chưa có mô hình nào nuôi giun đất, nhưng rất nhiều mô hình đã nuôi thành công giun quế phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Do đó, việc nuôi giun đất theo ông không phải chuyện quá khó. Song, cần nghiên cứu kỹ để có quy trình nuôi sao cho giun sinh sản nhanh, sản lượng cao, đảm bảo thu nhập cho người dân.
Nuôi thành công, tình trạng tận giệt giun đất ngoài tự nhiên bằng cách kích điện như hiện nay cũng sẽ giảm dần, ông Cường nhận định.
Theo VietNamNet