Thứ Hai, 14/08/2023, 09:24 (GMT+7)
.
Giá trị TMĐT ước tính 32 tỷ USD vào năm 2025:

Việt Nam lọt Top 3 thế giới thu hút nhiều nhà đầu tư nhất

Nửa đầu năm 2023 tình hình khó khăn, song thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Xu hướng tăng trưởng này được cho là bởi đại dịch đã tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh doanh trực tuyến mới, cũng như việc người tiêu dùng trẻ tuổi vượt qua những giới hạn TMĐT trước đây.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google nhấn mạnh, Việt Nam là một trong ba quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư nhất trong lĩnh vực này, với thị trường tiềm năng đạt giá trị ước tính 32 tỷ USD vào năm 2025.

Điều này mở ra cơ hội lớn cho nhiều thị trường khác, như nền tảng công nghệ tiếp thị, thanh toán… - theo nhận định của đại diện Xtend, nền tảng tiếp thị bám đuổi được xây dựng và phát triển dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo). Xtend có trụ sở chính tại Singapore, và hiện đang hỗ trợ các nền tảng như Tokopedia, Lazada… Nhắm thấy thị trường ngày càng rộng mở, Công ty cũng vừa bắt tay với Tyroo, thông qua đó cung cấp một điểm dừng duy nhất, giúp doanh nghiệp cải thiện chỉ số ROI.

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, ước tính năm 2022, quy mô giao dịch TMĐT bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Sang năm 2023, nửa đầu năm tình hình khó khăn, song TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Có một xu hướng mới, hoạt động kinh doanh trên các sàn và mạng xã hội là những nét nổi bật của ngành TMĐT Việt Nam năm 2022 và quý 1/2023. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội.

Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm. Đơn cử, thống kê của ZaloPay cho thấy, nếu trong năm 2022 ZaloPay có hơn 11,5 triệu người dùng “active”, có liên kết tài khoản và có phát sinh giao dịch, thì mức tăng trưởng thanh toán qua mã QR của ZLP hiện tại tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

“Merchant dùng QR đa năng lượng giao dịch cũng tăng trưởng 4 - 5 lần, kỷ lục là tăng 14 lần so với thông thường. Dự kiến, với mã QR đa năng vừa ra mắt, ZaloPay sẽ tăng trưởng ngoạn mục hơn” , bà Lê Lan Chi, CEO ZaloPay nhấn mạnh.

Hiện, QR của ZaloPay đã phủ 237 đơn vị chuỗi cửa hàng lớn nhỏ: 65% là cửa hàng dịch vụ ăn uống (Texas Chicken, The Coffee House, Katinat, Bonchon Chicken, KFC…) và 35% dịch vụ bán lẻ như Viettel Store, Mykingdom… Công ty cũng đang tập trung thực hiện các chiến dịch marketing để gia tăng nhận biết của người dùng về mã QR đa năng. CEO ZaloPay không phủ nhận rằng sự tăng tốc của TMĐT đã và đang là chất xúc tác cho các nền tảng như ZaloPay.

Trong động thái gây chú ý, ngày 8/8, Apple Pay chính thức ra mắt tại Việt Nam. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh đông đảo người dân đã quen thuộc với các giao dịch không tiền mặt, thậm chí gần 70% kỳ vọng về một quốc gia không tiền mặt vào năm 2030, khi Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 do Visa thực hiện, 90% số người được khảo sát đã thực hiện thanh toán không tiền mặt trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 77% năm 2021.

Mặt khác, ra mắt Apple Pay còn cho thấy sự tăng cường hiện diện của “ông lớn” này tại quốc gia giàu tiềm năng là Việt Nam. Trong khi tín đồ “táo khuyết” mở ra cơ hội lớn hơn cho mảng ICT (mà có lẽ đã sớm bão hoà từ những năm 2018-2019), mảng trực tuyến, TMĐT còn nhiều dư địa chính là điểm thu hút các đại gia ngành điện tử di động như Apple.

Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại Hệ thống FPT Shop nhận định : “Apple Pay sử dụng được ở Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường đối với việc phát triển hệ sinh thái Apple, chú trọng cả mua sắm online/offline”.

Nhìn chung, TMĐT đã và đang là từ khoá nóng của nền kinh tế số Việt Nam. Báo cáo TMĐT năm 2023 của Lazada cho rằng, tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỷ USD, thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Tuy nhiên, có một tồn đọng là sự phát triển không đồng đều. Hiện, chỉ số TMĐT có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội và TP.HCM so với các địa phương còn lại. Sự khác biệt này được đo lường dựa trên ba chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Riêng chỉ số hạ tầng và nguồn nhân lực, khảo sát của VECOM cho thấy, trong năm 2021, có đến 64% doanh nghiệp cho biết họ ưu tiên việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và TMĐT, phần lớn trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn (chiếm 79% trong số các doanh nghiệp thể hiện sự ưu tiên đối với vấn đề này).

Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tích cực hợp tác với bên thứ ba để cải thiện và tích hợp phần mềm. Ví dụ, Zoho đầu năm nay công bố tăng trưởng đến 45% so với thời điểm ban đầu vào Việt Nam. Nhắm thấy nhu cầu về giải pháp phần mềm lên cao theo sự bùng bổ TMĐT cũng như kinh tế số, công ty Ấn Độ này tuyên bố: "Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm, và bất cứ ai cũng có thể thấy rằng đây là một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc cập nhật ứng dụng các loại hình công nghệ mới trong các hoạt động kinh doanh".

Theo VietNamNet

.
.
.