.

Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Cập nhật: 21:12, 30/08/2023 (GMT+7)

(ABO) Chiều 30-8, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham dự.

a
Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn, tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính vì vậy, Phiên họp lần này nhằm mục đích chỉ ra được các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua và cách tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó; chỉ ra các nhiệm vụ mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai và các hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông giúp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20% - 25%/năm.

a
Quang cảnh đại biểu tham gia Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Tại Phiên họp, các đại biểu được nghe báo cáo về thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; công bố tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 địa phương; giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số.

Đồng thời, đề xuất cách tiếp cận 4 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm: Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng (doanh nghiệp nòng cốt) tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh, văn hóa Việt Nam và địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình chuyển đổi số thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực.

Ngoài ra, mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong vùng.

Đồng thời, Phiên họp còn nhận được các ý kiến đóng góp, thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực như: Việc chuyển đổi số cảng biển; phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu địa phương; triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp; giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may đóng góp cho kinh tế số…

Những nội dung này được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng.

MINH QUANG

.
.
.