.

Huyện Cai Lậy: Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã

Cập nhật: 09:03, 03/08/2023 (GMT+7)

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Qua đó, nhiều HTX đã thể hiện được vai trò trong tập hợp nông dân, phát triển sản xuất, đóng góp tích cực cùng chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Thời gian qua, huyện Cai Lậy luôn quan tâm củng cố, phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX). Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Chính sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nên hoạt động KTTT đã không ngừng phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện phát triển thêm được 1 HTX. Đến nay, huyện có 18 HTX; trong đó, có 17 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp (với 11.277 thành viên).

Các thành viên HTX Cẩm Sơn trao đổi kỹ thuật canh tác sầu riêng.                                                                                          Ảnh: QUẾ NGÂN
Các thành viên HTX Cẩm Sơn trao đổi kỹ thuật canh tác sầu riêng. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo đánh giá của UBND huyện Cai Lậy, thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, sở, ngành tỉnh trong việc tổ chức tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới... Các HTX còn được hỗ trợ vốn sự nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng HTX.

Hiện nay, 100% HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện đã chuyển đổi và hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012. Các HTX xây dựng và thực hiện theo phương án sản xuất, kinh doanh hằng năm, có trích lập quỹ đầu tư phát triển và thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Đồng thời, được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thành viên.

Một trong những chuyển biến nổi bật là các HTX đã chú trọng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Trong năm 2022, có 4 HTX tham gia xây dựng 2 kế hoạch và 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhìn chung, các HTX hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động của kinh tế thành viên.

Đồng thời, đem lại hiệu quả về mặt xã hội. Các HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, nhất là vùng nông thôn, góp phần xóa khó giảm nghèo, an sinh xã hội địa phương, tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KTTT

Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển KTTT, HTX trên địa bàn huyện cũng còn gặp một số khó khăn. Do đó, để lĩnh vực KTTT trên địa bàn huyện Cai Lậy tiếp tục phát triển, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng.

Huyện Cai Lậy sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển KTTT.                                                                      Ảnh: VĂN THẢO
Huyện Cai Lậy sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển KTTT. Ảnh: VĂN THẢO

Theo lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy, nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, địa phương đã đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, đối với các HTX cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên. Các thành viên cần hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. Đồng thời, tăng cường phát huy tiềm năng, nội lực, nhất là vai trò người đứng đầu HTX.

Mặt khác, các HTX cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ với các phương thức đào tạo khác nhau để nâng cao năng lực. Điều này sẽ giúp cho bộ máy điều hành của HTX đáp ứng yêu cầu điều hành sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan chuyên môn phụ trách công tác quản lý nhà nước về HTX của huyện phải thường xuyên phối hợp tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho cán bộ các HTX với nhiều hình thức và nội dung phong phú hơn.

Trong thời gian tới, UBND huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX. Một trong những nội dung trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX.

Cụ thể, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX; phát huy vai trò, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT huyện. Đồng thời, hỗ trợ các HTX trong lập hồ sơ và đề nghị cấp mã số vùng trồng. Huyện sẽ củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ trực tiếp tham mưu về lĩnh vực KTTT từ huyện đến xã để theo dõi, giám sát thực hiện.

Huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; các quy định của Luật HTX năm 2012 và các văn bản có liên quan. Một trong những công việc quan trọng là lựa chọn các mô hình HTX điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả để giới thiệu, phổ biến, tổ chức học tập để áp dụng và nhân rộng cho các HTX khác trên địa bàn huyện.

Địa phương sẽ chú trọng xây dựng, nhân rộng các HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào HTX, liên kết với HTX theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn của HTX là tiếp cận và mở rộng thị trường. Do đó, trong thời gian tới, UBND huyện Cai Lậy sẽ hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại. Cụ thể, huyện sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang tiếp tục tạo điều kiện để các HTX tham gia các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm, nghiên cứu thị trường, tham gia hội chợ triển lãm... trong và ngoài tỉnh.

Song song đó, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, giới thiệu, hướng dẫn thủ tục, tư vấn cho các HTX về xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kết, liên doanh trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, huyện sẽ đồng hành hỗ trợ các HTX trong tiếp cận nguồn vốn.

Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục hướng dẫn HTX xây dựng phương án kinh doanh để vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tiếp cận các nguồn vốn mới từ các ngân hàng, quỹ, các tổ chức phi Chính phủ để phát triển sản xuất, kinh doanh.

T. ĐẠT

.
.
.