Thứ Hai, 14/08/2023, 09:35 (GMT+7)
.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo

Giá gạo xuất khẩu đang tăng nhanh, cùng với những điều chỉnh của thị trường tiêu thụ ở các nước nhập khẩu đã và đang tác động không nhỏ đến tình hình cung ứng và tiêu thụ lúa - gạo trong nước.

Xuất khẩu gạo hiện đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng không ít rủi ro, nhất là đối với các doanh nghiệp không có lượng gạo dự trữ.

NÔNG DÂN HƯỞNG LỢI

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức khá cao, đặc biệt là đối với gạo 5% tấm đã chạm ngưỡng 590 USD/tấn.

Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất kể từ lúc chạm mốc lịch sử vào năm 2008. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao gần đây một phần bắt nguồn từ chủ trương cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước cũng tạm ngưng xuất khẩu gạo.

Ngoài Việt Nam, gạo Thái Lan cũng có mức giá cao liên quan đến những thay đổi của thị trường tiêu thụ. Trước diễn biến thị trường lúa - gạo gần đây, mới đây tại TP. Cần Thơ, Bộ Công thương cũng đã tổ chức hội nghị quan trọng nhằm đánh giá tình hình và định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Dây chuyền sản xuất gạo tại Công ty TNHH Vinh Hiển.
Dây chuyền sản xuất gạo tại Công ty TNHH Vinh Hiển.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao góp phần đẩy giá nguyên liệu trong nước cũng trên đà tăng do nguồn cung gạo hiện nay bị giới hạn. Thông tin liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây) cho biết, gạo hiện nay đã tăng giá khoảng 30% so với cách nay khoảng 2 tháng.

Theo đó, giá lúa Nàng Hoa và Đài Thơm 8 tại ruộng hiện nay ở khu vực Gò Công dao động khoảng 8.000 đồng/kg, lúa 5451 cũng đã chạm 7.800 đồng/kg; còn gạo thơm bán ra không dưới 15.000 đồng/kg. Cách đây ít ngày, thị trường mua bán lúa - gạo sôi động lên, nhất là sau thông tin tăng cường xuất khẩu gạo.

“Tuy nhiên, những ngày gần đây thị trường lúa - gạo tương đối ổn định lại, do lúc giá thấp đại lý đã nhập hàng nhiều, hiện nay giá gạo nguyên liệu tăng cao nên cân nhắc lại. Vùng Gò Công còn ít ngày nữa lúa sẽ thu hoạch rộ, kéo dài khoảng 20 ngày. Dự báo, khả năng giá lúa cũng khó tăng thêm, nhưng cũng khó hạ giá do các đơn vị thu mua lớn đã đưa ra giá thu mua “chuẩn”, đồng thời một phần cũng do giá gạo xuất đã tăng khá cao. Chẳng hạn, gạo thơm có giá xuất hiện nay đạt mức 650 USD/tấn, nên gạo chợ cũng khó thấp hơn 15.000 đồng/kg”- ông Huỳnh Văn Danh cho biết.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của cả nước đạt 4,27 triệu tấn, với giá trị khoảng 2,3 tỷ USD, tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn Tiền Giang có 7 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo, tuy nhiên chỉ 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, chủ yếu là 2 công ty: Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty TNHH Việt Hưng; còn lại 2 doanh nghiệp mới được cấp phép vào cuối năm 2022 cũng tham gia xuất khẩu trong năm 2023 là Công ty TNHH Lương thực Đắc Thành và Công ty TNHH TMDV Đạt Đức Thịnh. Về mặt tỷ trọng, sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh chiếm bình quân khoảng 3% so với cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh thực hiện được 110.192 tấn, trị giá xấp xỉ 65 triệu USD, tăng hơn 69% về lượng và gấp 2 lần về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 75% tổng kim ngạch, kế đến là châu Phi chiếm hơn 10%, Hồng Kông 6,6%, Singapore 2,7%, Philippines 1,5%, Indonesia 0,5%... Ngoài ra, gạo xuất khẩu của Tiền Giang còn có mặt ở những thị trường khó tính như: Châu Âu, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, nên phần lớn người dân (chiếm đến gần 90%) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao và lúa thơm để phục vụ xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thị trường trong nước. Giá gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao, thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nguồn cung lương thực toàn cầu sụt giảm do cuộc xung đột Nga - Ukraine, do Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo, các nước đang tăng dự trữ lương thực quốc gia nên lượng cầu lương thực gia tăng… là những cơ hội tốt cho hạt gạo Việt Nam.

Tất nhiên, giá lúa - gạo tăng gần đây đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân. Bởi theo tính toán, mỗi ha trồng lúa có thể thu hoạch bình quân 6 tấn lúa, với mức tăng thêm gần đây xấp xỉ 1.000 đồng/kg lúa, nông dân có thể thu thêm khoảng 6 triệu đồng/ha.

Nhìn trên bình diện tổng thể hơn, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa bán ra của nông dân thời gian gần đây tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, nên nông dân rất phấn khởi. “Trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích xuống giống đạt 117.665 ha, đã thu hoạch được 71.628 ha, hiện trên đồng còn 46.037 ha lúa đang thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch, với sản lượng dự kiến khoảng 300.000 tấn” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho biết.

NẮM CHẮC DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG

Nhìn từ góc độ thị trường tiêu thụ, đặc biệt trước thông tin đẩy mạnh xuất khẩu gạo gần đây, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra khá thuận lợi, nhất là từ khi Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu gạo trở lại.

Đây là tín hiệu hết sức tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Một trong những nguyên nhân là do nguồn cung lương thực toàn cầu sụt giảm từ tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi tình hình sản xuất lương thực tại một số quốc gia trọng điểm ở khu vực châu Á sụt giảm do tác động của hiện tượng El Nino.

Bên cạnh đó, Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu trở lại đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo và làm giá lúa trong nước nhích lên trong những tháng gần đây. Mặt khác, trong những năm gần đây nhờ đầu tư của Nhà nước, người dân và các doanh nghiệp vào lai tạo giống lúa, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất xanh, sạch, đặc biệt là việc thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân trong việc giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần giảm chi phí sản xuất… nên một số thương hiệu gạo Việt Nam đã được thế giới ngày càng ưa chuộng và giá bán cao hơn cả gạo Thái Lan, điển hình như: Jamine 85, Japonica, ST 25, gạo nếp, gạo thơm Hương Lài…

 

Khi bàn về câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong thời gian tới, đồng chí Lưu Văn Phi cho rằng, qua trao đổi với các doanh nghiệp, việc xuất khẩu gạo hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng không ít rủi ro, nhất là đối với các doanh nghiệp không có vùng sản xuất nguyên liệu và không có lượng gạo dự trữ trong kho phục vụ xuất khẩu vì giá lúa - gạo trong nước có thể biến động tăng cao theo cung - cầu của thế giới.

“Do vậy, để việc xuất khẩu được thuận lợi và tận dụng được cơ hội này, có 2 yếu tố các doanh nghiệp phải nắm chắc: Chủ động về nguồn nguyện liệu đầu vào ổn định với mức giá hợp lý, đảm bảo có lợi khi xuất khẩu (tốt nhất là có gạo dự trữ trong kho); khi ký hợp đồng xuất khẩu phải lưu ý sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào, tránh rủi ro khi ký xong hợp đồng, giá trong nước tăng đột biến và không có nguồn gạo để giao cho đối tác nước ngoài”- đồng chí Lưu Văn Phi cho biết.

Về lâu dài, để giảm bớt các rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu gạo, đồng chí Lưu Văn Phi cũng lưu ý, nhất thiết phải hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên nguyên tắc các bên cùng có lợi. Mới đây, trong xuất khẩu sầu riêng của tỉnh, giữa người dân và doanh nghiệp đã hình thành phương thức liên kết mở theo hướng chốt giá trong khoảng 2 tháng trước khi xuất khẩu với mức tăng giảm không quá 10% theo giá cả thị trường.

Bằng cách này, doanh nghiệp có đủ thời gian để đàm phán giá với phía nước ngoài và nếu có biến động chỉ trong phạm vi khoảng 10%, doanh nghiệp có thể quản lý được rủi ro. Mặt khác, vấn đề vốn lưu động phục vụ mua hàng dự trữ trong kho là hết sức cần cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này do yêu cầu thế chấp tài sản. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải theo sát diễn biến của tình hình cung ứng lương thực trong nước và thế giới, nhanh nhạy và thận trọng khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài.

ANH PHƯƠNG

.
.
.