Thứ Năm, 03/08/2023, 20:21 (GMT+7)
.

Thị trường vốn, chứng khoán cần phải tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa

(ABO) Chiều 3-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà. Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý II-2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế, hoàn thành 7 dự án với 2.424 căn. Số lượng dự án chỉ bằng 50% so với quý I-2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý II-2022.

Việc triển khai bị chậm hoặc dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn… Trong quý II-2023 có 96.977 giao dịch BĐS thành công, lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công.

Trong quý II-2023, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại. Giá BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm.

Dự án Đường Nguyễn Trọng Dân nối dài và khu dân cư 2 bên đường đang được triển khai.
Dự án Đường Nguyễn Trọng Dân (TX. Gò Công) nối dài và khu dân cư 2 bên đường đang được triển khai.

Tuy nhiên, mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện vẫn ở mức cao. Giá bán phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm từ 2% - 5% so với quý trước.

Về nguồn vốn cho thị trường BĐS, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 5-2023, dự nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 925.796 tỷ đồng. Cơ cấu tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.

Cũng theo Bộ Xây dựng, thực hiện Nghị quyết 33, các bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình đều đã đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành các nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ.

Hiện tại, các địa phương đều đang tích cực tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS.

Về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các địa phương đã công bố danh mục đủ điều kiện để các ngân hàng làm cơ sở triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi.

Về nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ khách hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành. Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã hạ từ 0,5% - 2% và cơ bản mặt bằng lãi suất ổn định.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Toàn tỉnh hiện đang thực hiện 23 dự án BĐS.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện đang thực hiện 23 dự án BĐS.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và các DN BĐS đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong phát triển thị trường BĐS thời gian qua. Đồng thời, có những đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện 26 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất là 207,91 ha.

Trong đó, có 21 dự án nhà ở thương mại (16 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 5 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư); 5 dự án nhà ở xã hội (2 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 3 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư); có 3 dự án đã đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với tổng số 501 căn hộ.

Qua rà soát tình hình triển khai thực hiện các dự án nêu trên, có 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, chậm triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất một thông điệp của hội nghị hôm nay là tiếp tục chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ban hành Nghị quyết 33 và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã giúp thị trường BĐS đã có chuyển biến tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Việc ban hành các văn bản tháo gỡ vướng mắc pháp lý và điều hành có sự hiệu quả. Tuy nhiên, không thể giải quyết ngày một, ngày hai, do các khó khăn, vướng mắc tích tụ qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Các vướng mắc về pháp lý cần tiếp tục được giải quyết. Thị trường vốn, chứng khoán cần phải tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Các thủ tục hành chính phải đơn giản hơn nữa, tránh phiền hà, sách nhiễu. Thủ tướng cho rằng, vẫn còn một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực hiện. Và cuối cùng vấn đề tổ chức thực hiện cần phải linh hoạt, hiệu quả hơn…

M. THÀNH

.
.
.