Thứ Tư, 09/08/2023, 09:59 (GMT+7)
.

Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

Đến thời điểm này, Tiền Giang là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Hiện các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đấu tư công trong những tháng còn lại. Xác định đầu tư công là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư và địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, năm 2023, đơn vị được giao kế hoạch vốn là 672,73 tỷ đồng, triển khai thực hiện 12 dự án. Trong đó, có 8 Dự án chuyển tiếp: Đường Lộ Dây Thép (đường tỉnh 880B); Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 874; Đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An; Nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp); Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười. 4 Dự án khởi công mới gồm: Đường tỉnh 879C; Cầu Tân Phong, huyện Cai Lậy; Cầu Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông; Cầu Thông Lưu trên đường tỉnh 863.

Tiền Giang vừa hoàn thành cống ngăn mặn  Phú Phong (huyện Châu Thành)  trên đường tỉnh 864.
Tiền Giang vừa hoàn thành cống ngăn mặn Phú Phong (huyện Châu Thành) trên đường tỉnh 864.

Đây là những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh nên công tác triển khai thi công và giải ngân vốn cho các dự án luôn được đơn vị tập trung thực hiện. Ước giá trị thực hiện các công trình đến cuối tháng 7-2023 là 480,5 tỷ đồng, đạt 72,24%; giá trị giải ngân đạt 72,18%.

Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2023, đơn vị được giao thực hiện 11 công trình; trong đó, có 10 công trình do đơn vị làm chủ đầu tư, 1 công trình nhận ủy thác của Sở Xây dựng chuyển tiếp sang năm 2023.

Tổng nguồn vốn giao năm 2023 đến nay là 602,591 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 488,1 tỷ đồng, đã giải ngân 332,058 tỷ đồng, đạt 68,03%; vốn ngân sách địa phương là 114,5 tỷ đồng, đã giải ngân 97,309 tỷ đồng, đạt 84,98%.

Tổng giá trị giải ngân đến nay là 429,367 tỷ đồng, đạt 71,25% vốn giao. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, thời gian qua, công tác giám sát chất lượng công trình được thực hiện thường xuyên và đảm bảo. Tiến độ thi công các công trình cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra.

Còn tại huyện Tân Phú Đông, trong những tháng đầu năm, công tác đầu tư công luôn được địa phương rất chú trọng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của huyện khoảng 136 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 76,7%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là 5.295 tỷ đồng, triển khai thực hiện 318 dự án, công trình; giá trị giải ngân 7 tháng năm 2023 được 2.926 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch, tăng 42,6% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 50,7% kế hoạch, tăng 5,8%). Tỉnh tiếp tục triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 thêm 816 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022, nâng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trên 6.111 tỷ đồng.

TẬP TRUNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Để hoàn thành kế hoạch vốn giao trong năm 2023, hiện các chủ đầu tư đang tập trung triển khai các công việc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo UBND TX. Gò Công, năm 2023, thị xã có 7 công trình chuyển tiếp (6 công trình hoàn thành, 1 công trình đang thi công) sử dụng vốn tỉnh; tiến độ giải ngân là 45,892 tỷ đồng, đạt 94,5% kế hoạch vốn.

Tiến độ thi công các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 vượt kế hoạch khoảng 2 tháng.
Tiến độ thi công các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 vượt kế hoạch khoảng 2 tháng.

Riêng 6 công trình khởi công mới và chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn tỉnh, tỉnh đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Đối với các công trình sử dụng vốn thị xã, có 48 công trình; trong đó chuyển tiếp 8 công trình, khởi công mới 39 công trình, giao phường 4 là 1 công trình. Trong các công trình chuyển tiếp đã hoàn thành 6 công trình; 20 công trình khởi công mới đã hoàn thành. Tiến độ giải ngân là 54,159 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch vốn.

Trong thời gian tới, TX. Gò Công sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư các dự án, công trình theo kế hoạch năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả theo kế hoạch đề ra.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang, đầu tư công của tỉnh thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Để đạt được kết quả trên, Thường trực UBND tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm.

Giải pháp căn cơ là nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức theo quy định khi lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Đồng thời, giao vốn sớm cho các chủ đầu tư (trong tháng 12-2022); thực hiện điều chuyển vốn từ những công trình, dự án có khối lượng thấp sang các công trình, dự án có khối lượng cao.

Tỉnh đã tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB để sớm có mặt bằng sạch thi công. Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục chỉ đạo Quỹ Phát triển đất cho các chủ đầu tư tạm ứng vốn để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện công tác GPMB nhằm tạo mặt bằng sạch, sớm thi công các công trình, dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và địa phương nâng cao chất lượng lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, đáp ứng các tiêu chí ra mắt huyện, xã nông thôn mới năm 2023.

Năm 2023 này, Tiền Giang tập trung triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh sẽ phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án để triển khai công tác thi công.

Trong đó, dự án trọng điểm nhóm A là đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương có dự án đi qua khẩn trương thực hiện công tác GPMB và bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện.

Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện công tác GPMB để triển khai thi công các công trình, dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các công trình theo kế hoạch.

ANH THƯ

.
.
.