.

Tiền Giang: Thúc đẩy kết nối liên kết sản xuất thanh long

Cập nhật: 20:32, 18/08/2023 (GMT+7)

(ABO) Ngày 18-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy kết nối liên kết sản xuất thuộc Dự án Chuỗi liên kết và tiêu thụ thanh long năm 2023. Hội nghị do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Hoàng Nhật Nam chủ trì.

Toàn tỉnh hiện có 8.962 ha trồng thanh long, diện tích cho sản phẩm 7.493 ha, năng suất 34,7 tấn/ha, sản lượng trên 260.000 tấn/năm. Vùng sản xuất thanh long chủ lực tập trung chủ yếu ở 4 huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước và Gò Công Đông. So với năm 2020, diện tích thanh long giảm 754,4 ha.

Giá bán thanh long trong 6 tháng đầu năm 2023 tương đối cao, trung bình 17.720 đồng/kg, cao hơn 9.220 đồng/kg so với năm 2022. Trung bình lợi nhuận 205,5 triệu đồng/ha, cao hơn 154,8 triệu đồng so với năm 2022. Dù vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó khăn, giá bán thanh long giảm thấp do vào vụ thuận. Giá thanh long thấp chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, nông dân không có lãi và lỗ.

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu làm việc tại hội nghị.
Các đại biểu làm việc tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra thanh long đã có nhiều ý kiến như: Các ngành cần hỗ trợ các HTX mới thành lập về vốn cũng như việc liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng đầu ra ổn định; tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của sản xuất thanh long sạch để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; nghiên cứu thành lập hiệp hội thanh long tỉnh, đẩy mạnh liên kết giữa các HTX với nhau…

Các doanh nghiệp và HTX ký kết hợp tác.
Các doanh nghiệp và HTX ký kết hợp tác.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam mong rằng với sự chung tay chia sẻ của các doanh nghiệp và các HTX thì việc sản xuất và tiêu thụ thanh long sẽ ngày càng phát triển. Thời gian tới, xu thế tất yếu là phải liên kết, chia sẻ nhiều hơn giữa doanh nghiệp, nông dân, cơ quan nhà nước, chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ thanh long.

HTX và nông dân cũng có những chia sẻ: Doanh nghiệp là kênh tiêu thụ và liên kết sản phẩm thanh long với thị trường, đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích từ việc hợp tác lâu dài. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ của nông dân, HTX và các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất hướng đến sản xuất sạch, ghi nhật ký trồng trọt, tuân thủ các quy định về xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Dịp này, 3 doanh nghiệp và 7 HTX đã ký các hợp đồng nguyên tắc cung ứng đầu vào và đầu ra cho trái thanh long.

CAO THẮNG

 

.
.
.