Tiền Giang: Triển khai Đề án "Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025"
Ngày 7-8-2023, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 1757 phê duyệt Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025” (gọi tắt là Đề án).
Theo Đề án, trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhiều khu vực tài nguyên cát, sỏi lòng sông được quy hoạch, khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, công tác quản lý chặt chẽ, khai thác có tổ chức và dần đi vào nề nếp, phục vụ nhu cầu vật liệu để san lấp mặt bằng ở địa phương và góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trước đây cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; trong quá trình hoạt động, một số đơn vị đã đầu tư, sử dụng công nghệ khai thác phù hợp với thực tế, đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả.
Từ năm 2011 đến nay, các ngành, các cấp đã thực hiện 2.494 cuộc kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý 1.237 trường hợp vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 46,7 tỷ đồng, tịch thu 45 phương tiện khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao; tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn xảy ra tại một số khu vực (như tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Tiền tại huyện Cai Lậy, Châu Thành, TP. Mỹ Tho; trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại thuộc huyện Tân Phú Đông,...), gây ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 62/2013 ngày 12-12-2013 thì trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,30 triệu m3; lượng cát bổ cập hàng năm khoảng 6,4 triệu m3, cụ thể như sau:
Trên tuyến sông Tiền: được quy hoạch tại 9 khu vực khung được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 48,97 triệu m3. Trên tuyến sông Vàm cỏ: được quy hoạch 1 khu vực được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 1,33 triệu m3. Qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng thì tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh còn lại tại 35 khu vực mỏ là khoảng 40,70 triệu m3.
Năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng tiếp nhận hồ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản cát lòng sông. Sau khi rà soát lại tất cả các khu vực mỏ cát sông đã cấp phép thăm dò, khai thác thì từ năm 2016 đến nay, tất cả các khu vực mỏ đều đã hết hạn giấy phép và không còn khai thác.
Tiền Giang dự kiến cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông giai đoạn 2022 - 2025 và sau 2025. Ảnh: TL. |
Mục tiêu chung của Đề án là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản nhằm đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác tài nguyên cát (bao gồm cát sông, cát biển) trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp.
Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép; đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản; đồng thời bảo vệ môi trường, hạn chế sạt lở lòng bờ bãi sông, đảm bảo an toàn đê điều.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là: Cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo việc thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cát hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, phù hợp quy hoạch phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, các công trình trọng điểm, nhu cầu san lấp của người dân, hạn chế thất thoát tài nguyên, tăng thu ngân sách cho địa phương và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng.
Trong Đề án, các mỏ dự kiến xem xét cấp phép khai thác không đấu giá giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025, bao gồm:
18/20 khu vực mỏ đã cấp giấy phép khai thác trước đây, bao gồm: Mỏ An Nhơn, xã Tân Thanh, An Hữu, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-6, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-5, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Vàm Cái Thia, xã Mỹ Lương, Hòa Khánh, huyện Cái Bè; Mỏ Tân Phong 1, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy….
Và 13/15 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, chưa cấp giấy phép khai thác, bao gồm: Mỏ Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-7, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Ngũ Hiệp-2, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy; Mỏ Kim Sơn, xã Kim Sơn, Phú Phong, huyện Châu Thành; Mỏ Song Thuận, xã Song Thuận, huyện Châu Thành; Mỏ Bình Đức, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho; Mỏ Tân Thạnh-4, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông...
Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát sông căn cứ theo khoản 1 điều 78 Luật Khoáng sản 2010 quy định “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, UBND tỉnh sẽ tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ được khoanh định là khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm: Thân cát VII, chiều dài 10.000 m, rộng 302 m, từ xã Xuân Đông đến hết xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo; thân cát VIII, sông Cửa Tiểu, chiều dài 35,6 km rộng 150 m từ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và các khu vực mỏ còn lại trên địa bàn tỉnh chưa cấp phép khai thác.
Trước đó, các sở, ngành cũng đã tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030 với tổng khối lượng 27.049.667 m3; dự kiến nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên toàn tỉnh Tiền Giang là 3.381.208 m3/năm.
M.T