.
TX. GÒ CÔNG - TỪ "LÀNG THÀNH PHỐ" ĐẾN THÀNH PHỐ

BÀI 1: Đất "địa linh, nhân kiệt"

Cập nhật: 10:10, 21/08/2023 (GMT+7)

TX. Gò Công, trung tâm kinh tế - xã hội khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang, có bề dày lịch sử lâu đời, nơi được xem là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo mới tinh tươm hơn. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực để vươn lên thành phố Gò Công trong tương lai.

Soi rọi vào lịch sử mới thấy rằng, đi cùng với chiều dài thăng trầm của vùng đất Nam bộ, TX. Gò Công có những nét đặc trưng riêng biệt, từ chứng nhân lịch sử, kiến trúc đô thị đến đời sống và bản sắc văn hóa. Phố cổ, nhà xưa, cùng với di tích lịch sử văn hóa, con người trở thành nét riêng của một đô thị sầm uất xưa và là trung tâm của khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang ngày nay.

DẤU MỐC LỊCH SỬ

Những ai am hiểu về vùng đất Gò Công nói chung, TX. Gò Công nói riêng, đều biết rằng TX. Gò Công có bề dày lịch sử lâu đời, là đô thị trung tâm của khu vực. Gò Công xưa từng một thời có tên gọi là làng Thành Phố; trung tâm đô hội, nơi dừng chân của đoàn người Nam tiến.

Theo địa chí Tiền Giang, TX. Gò Công có xã Long Thuận là trung tâm văn hóa của vùng Gò Công, tiền thân của xã là 2 thôn Thuận Tắc và Thuận Ngãi đã có từ thời vua Gia Long. Trên con đường Nam tiến của cha ông ta, bằng sự cần cù, người xưa đã khai hoang, giữ đất, lập làng, bám làng…, từ đó để lại cho hậu thế hôm nay nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Võ Tánh, Đình Trung, Văn Thánh Miếu và nhiều nhà cổ, nhà thờ, đình, chùa, miếu mộ. TX. Gò Công cũng từng là trung tâm tỉnh lỵ Gò Công. Đặc biệt, nhiều nơi của TX. Gò Công đã in đậm nét son như vùng căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công tại xã Bình Xuân.

Dãy nhà của phố cổ Gò Công nay đã nhiều thay đổi.
Dãy nhà của phố cổ Gò Công nay đã nhiều thay đổi.

Soi rọi vào lịch sử mới thấy rằng, để có được diện mạo và tầm vóc hiện nay, TX. Gò Công trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Sơ lược về những chặng đường đã qua mới thấy, vào thời vua Gia Long (1802 - 1819), trung tâm TX. Gò Công là thôn Bình Thuận Đông và thôn Bình Thuận Tây đông dân cư; phía Bắc là thôn Tân Niên Trung, Bình Xuân, Bình Thạnh Đông vẫn còn là vùng rừng rộng lớn, ít dân cư, là căn cứ của nghĩa quân Trương Định, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, thành Gia Định. Thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, vùng trung tâm Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hòa, phủ Hòa Thạnh, tỉnh Gia Định.

Năm 1836, vùng phía Nam, 2 thôn Bình Thuận Đông và thôn Bình Thuận Tây được đổi tên thành thôn Thuận Tắc và thôn Thuận Ngãi; vùng phía Bắc là các thôn Bình Xuân, Bình Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Mỹ Lợi, Mỹ Xuân và Tân Niên Trung thuộc tổng Hòa Lạc. Trong cuộc khởi nghĩa Trương Định, vùng Đám lá tối trời (Truông Cóc), Sơn Qui, Gò Công là nơi nghĩa quân Trương Định diệt nhiều giặc Pháp xâm lược. Ngôi mộ Trương Định ở giữa làng Thành Phố là một biểu tượng bất khuất của người anh hùng đất Gò Công chống Pháp.

Nghiên cứu của Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, người có nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất Gò Công, cũng đã nhấn mạnh vai trò của làng Thành Phố. Trong cuốn “Gò Công vọng tiếng đất lành” đã đề cập: Làng Thành Phố được Pháp thành lập từ năm 1882 (cũng có tư liệu viết năm 1885 - NV) trên cơ sở sáp nhập làng Thuận Ngãi với làng Thuận Tắc, 2 làng vốn cách nhau do con rạch Cửa Khâu, năm 1882 đã nạo vét sửa đổi thành kinh Salicetti. Năm 1882, làng Thành phố rộng lớn có ban hương chức Hội tề đầy đủ và có mộc riêng. Làng Thành phố từ năm 1882, mãi đến tháng 7-1945, dù Gò Công có thay đổi hành chính từ “hạt” từ năm 1868 - 1899, sang “quận” từ năm 1899 - 1924, rồi “tỉnh” từ năm 1924 - 1945, làng Thành Phố vẫn là thủ phủ 63 năm.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), thực dân Pháp vẫn giữ Gò Công là huyện lỵ của huyện Tân Hòa. Từ năm 1867, các thôn được gọi thành làng. Năm 1924, tỉnh Gò Công thành lập, gồm 5 tổng 40 làng. Làng Thành Phố là tỉnh lỵ. Tháng 10-1945, quân Pháp tái chiếm Gò Công, làng Thành Phố vẫn là tỉnh lỵ. Sau Hiệp định Genève (1954) đến cuối năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập tỉnh Gò Công và tỉnh Mỹ Tho thành tỉnh Định Tường. Gò Công chia thành 2 quận: Gò Công và Hòa Đồng. Tại quận Gò Công, làng Thành Phố và làng Long Chánh nhập lại thành xã Long Thuận. Quận lỵ Gò Công đóng tại xã Long Thuận. Tháng 12-1963, thành lập tỉnh Gò Công gồm 2 quận: Gò Công và Hòa Đồng. Tỉnh lỵ Gò Công đóng tại xã Long Thuận. Năm 1965, tỉnh Gò Công lập 4 quận: Hòa Lạc, Hòa Tân, Hòa Bình, Hòa Đồng, tỉnh lỵ vẫn đóng tại xã Long Thuận (quận Hòa Lạc) cho tới ngày 30-4-1975.

VỐN LÀ ĐÔ THỊ SẦM UẤT

TX. Gò Công vốn là một đô thị sung túc. Theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm, từ giữa thế kỷ XIX vùng đất TX. Gò Công (trước đây gọi là làng Thành Phố), đặc biệt là khu vực nội ô đã mang dáng dấp của một đô thị sầm uất. Nơi đây có chợ Gò Công nằm bên con rạch lớn, nhiều nhà vườn được chia ô của những người giàu có, nhiều nhà mang nét nhà phố Trung Hoa gần chợ Gò Công, tạo cho nơi này trở thành một đô thị có tiếng trước khi người Pháp có mặt.

TX. Gò Công hôm nay từng là làng Thành phố.								                                                                                                                                           Ảnh: MINH THÀNH
TX. Gò Công hôm nay từng là làng Thành phố. Ảnh: MINH THÀNH

Trong cuốn “Địa phương chí tỉnh Gò Công” vào năm 1936, ông Grmail, Tỉnh trưởng Gò Công đã mô tả làng Thành phố: “Làng Thành phố trở thành tỉnh lỵ được xây dựng và khai phá. Những công trình xây cất vững chắc được dựng lên thay thế những căn nhà lá. Tiếp theo đó, trung tâm này được ưu tiên mở đường giao thông sau khi một sở tàu xà - lúp được đấu thầu, sau đó nhiều đường được mở, dân số tỉnh lỵ tăng nhanh. Bao quanh là đồng ruộng và đầm lầy. Đường phố được tráng đá chạy đan thẳng góc nhau và có cây che mát.

Ngoài ra, có những ngôi nhà hành chính quan trọng, có những ngôi nhà của dân bản xứ xinh đẹp, có vườn tược bao quanh được xây cất lên. Một thành phố của người bản xứ được xây cất hoàn toàn bằng gạch ngói hình thành riêng biệt, có chợ rộng rãi, một chợ cá và một hồ chứa nước uống. Công sở xinh đẹp của thành phố đang xây cất và ngôi đình làng nổi bật lên giữa một thành phố đông dân và thịnh vượng này”.

Đến đầu thế kỷ XX, làng Thành Phố đã mang nét cổ xưa, với những ô phố bàn cờ, đường phố hẹp và ngắn, những dãy phố mái ngói âm dương, những tiệm buôn có bảng hiệu chữ Hoa và chữ Việt liền kề, những công sở người Hoa, công sở của chính quyền thuộc địa mang kiến trúc phương Tây. Những nét đặc biệt ấy tạo cho đô thị Gò Công có dáng dấp của một đô thị cổ ngay nửa đầu thế kỷ XX. Những kiến trúc như nhà phố, nhà vườn, nhà kho, lẫm lúa, hồ nước... tạo nên cảnh quan đô thị đặc biệt, riêng có của Gò Công. Khi chợ Gò Công được mở rộng và xây dựng kiên cố, dân cư đông đúc vào đầu thế kỷ XX, nhiều nhà giàu mua đất để cất nhà cho thuê hoặc để bán. Riêng các kiến trúc công sở được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đều mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, tiêu biểu là Dinh Tỉnh trưởng, nhà Đốc học.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, TX. Gò Công hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới và đã được công nhận đô thị loại III. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến vùng đất Gò Công nói chung, TX. Gò Công nói riêng nhiều người vẫn còn nghĩ đến: Phố cổ, nhà xưa, những dấu tích cũ đã và đang tồn tại trong lòng TX. Gò Công. Những dấu tích xưa ấy vẫn còn mang nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa tinh thần.

Riêng phố cổ Gò Công trong ký ức của nhiều người vẫn chứa đựng những giá trị vật chất và tinh thần của người dân Gò Công, lưu giữ ký ức của đô thị, chứa đựng các lễ hội dân gian để suy tôn, thờ vọng các thiên thần và nhân thần có công với quê hương, dân tộc, các tập tục địa phương; các truyền thuyết, thần tích, huyền thoại đậm tính nhân văn, tạo sự cố kết cộng đồng; các nghi lễ mang ước vọng của nhân dân. Phố cổ cũng sẽ góp phần khẳng định bản sắc của địa phương, là dấu ấn tiêu biểu của hồn thiêng địa phương và đất nước.

Phố cổ, nhà xưa, cùng với các công trình, kiến trúc văn hóa và các bậc tiền nhân đã và đang giúp cho Gò Công nói chung, TX. Gò Công nói riêng có những đặc trưng riêng… Từ nền tảng đó, TX. Gò Công đang bước tiếp một chặng đường mới.

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.