.
TX. GÒ CÔNG - TỪ "LÀNG THÀNH PHỐ" ĐẾN THÀNH PHỐ

BÀI 3: Chuyện xưa, tích cũ

Cập nhật: 09:25, 25/08/2023 (GMT+7)

BÀI 2: Tìm về dấu tích nhà xưa

BÀI 1: Đất "địa linh, nhân kiệt"

“Làng Thành Phố” xưa, TX. Gò Công (tỉnh Tiền Giang) ngày nay, không chỉ được nhắc nhớ bởi phố cổ, nhà xưa, mà còn nhiều chuyện xưa, tích cũ gắn liền với chiều dài lịch sử của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Dòng dõi hoàng gia, các bậc tiền nhân mở cõi, nhân sĩ, trí thức cùng với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương đã góp thêm vị thế cho vùng đất “địa linh, nhân kiệt” này.

PHÁT TÍCH ĐIỀM LÀNH

Chúng tôi viếng thăm Lăng Hoàng gia vào chiều cuối tháng 7, một trong những di tích gắn liền với năm tháng thăng trầm của “Làng Thành Phố” xưa, TX. Gò Công ngày nay. Lăng Hoàng gia là nơi yên nghỉ của những người thuộc dòng họ Phạm Đăng, một dòng họ nổi tiếng ở Nam bộ vào thế kỷ XVIII, XIX. Khu lăng mộ tọa lạc trên gò Sơn Quy (nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công). Theo nghiên cứu của Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, ông Phạm Đăng Dinh (1657 - 1751) đem gia đình và gia thuộc từ thôn Tư Cung, Quảng Ngãi vào khai thác Gò Rùa thành Giồng Sơn Quy, sinh Phạm Đăng Long rồi cháu nội là Phạm Đăng Hưng.

Miếu Võ Quốc Công được trùng tu năm 2017.
Miếu Võ Quốc Công được trùng tu năm 2017.

Tìm hiểu kỹ hơn về Lăng Hoàng gia, ông Phan Văn Dũng, người đang trông nom khu lăng mộ cho biết thêm, các đời của dòng họ Phạm Đăng nối tiếp nhau, nhiều người qua đời được xây mộ tại đây, trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ XX. Đặc biệt nhất trong khuôn viên này là Lăng mộ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại của vua Tự Đức) có kiến trúc độc đáo.

Phần mộ được xây dựng từ năm 1826, hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc nón quan trong triều, khác với những mộ ở Nam bộ. Trước mộ có 4 trụ cách điệu giữa búp sen và chiếc nón. Ngoài ra, bình phong được xây khá cầu kỳ, đường nét uyển chuyển làm cho ngôi mộ trở nên cổ kính và uy nghiêm. Có thể nói, khu Lăng Hoàng gia là một quần thể kiến trúc xưa và lạ, bởi đây là nơi yên nghỉ của dòng họ làm quan nhiều đời và là họ ngoại của các vua nhà Nguyễn.

Điều mà nhiều người chú ý hơn cả, ngoài khu Lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và khu nhà thờ, còn có một giếng nước ngọt ngay giữa khuôn viên Lăng Hoàng gia, nơi vùng đất bị nhiễm phèn mặn của TX. Gò Công. Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.

Ông Phan Văn Dũng kể lại, tục truyền giếng được đào vào đời ông Phạm Đăng Dinh, khi đào nước giếng rất ngọt, gọi là mạch long. Có lẽ giếng nước được đào để lấy nước sinh hoạt cho gia đình Phạm Đăng. Có điều lạ là đến mùa khô, các giếng khác, kể cả ao làng sâu 10 m, đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng ngay mạch nước nên nước lúc nào cũng có.

Đài chiến tích giải phóng Khám lớn Gò Công.
Đài chiến tích giải phóng Khám lớn Gò Công.

Ngày xưa, người dân ở xã Long Hưng đều xài nhờ giếng nước này. Điều lạ nữa là khi Hoàng Thái hậu Từ Dũ được sinh ra, nước ở giếng này càng ngọt hơn. Cho nên cụ Nguyễn Liên Phong, trong cuốn sách cổ “Từ Dụ - Hoàng Thái hậu truyện” in năm 1913 có viết 2 câu thơ: Lệ thủy trình tường tội/ Quy khâu vun phước cơ (có người nói là Lệ thủy trình tường ngoại/ Quy khâu trúc phước cơ - NV) nghĩa là: Nước ngọt trổ điềm lành/ Gò rùa vun đất phước), cũng có nghĩa là đất địa linh sinh ra anh kiệt.

“Gia tộc Phạm Đăng hiện vẫn còn, hằng năm vẫn mua hương quả về cúng viếng, nhất là vào ngày 14-6 (âm lịch). Lăng Hoàng gia được người dân tôn kính, những ai về Gò Công đều mong muốn được thăm viếng. Riêng giếng nước ngọt vẫn còn được giữ gìn”- ông Phan Văn Dũng cho biết.

NHỮNG CON NGƯỜI TÀI HOA

Chuyện xưa, tích cũ ở “Làng Thành Phố” năm xưa không chỉ có ở Lăng Hoàng gia, mà còn được soi chiếu ở nhiều góc nhìn khác. Nếu soi rọi vào chặng đường đã qua, mảnh đất ấy, vị trí và vị thế ấy đã đặt Gò Công vào những cuộc đối đầu quyết liệt với kẻ thù xâm lược, vì thế mà ở đây có những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử: Anh hùng dân tộc Trương Định, người đầu tiên đứng lên đánh Pháp xâm lược; nhân sĩ Huỳnh Đình Điển với phong trào Minh Tân; Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Gò Công lập trụ sở, mở cơ sở kinh tế và hoạt động (1927); xuất hiện cờ đỏ, truyền đơn báo hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930); tháng 8-1945, nơi đây chứng kiến một cuộc mít tinh chào mừng cách mạng thành công và sự ra mắt chính quyền cách mạng tỉnh Gò Công; tháng 8-1954 tại đây cũng diễn ra mít tinh chào mừng Hiệp định Genève của hơn 20.000 người dân Gò Công tạo nên tiếng vang lớn trong vùng. Chưa hết, Tết Mậu Thân năm 1968, Lực lượng vũ trang cách mạng đã tiến công vào trung tâm tỉnh lỵ đánh dấu một mốc son lịch sử đấu tranh của quân dân Gò Công.

Lăng Hoàng gia.
Lăng Hoàng Gia.

Mảnh đất Gò Công với vị trí và vị thế đó, không chỉ sản sinh ra những con người anh hùng trong đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn tạo ra một vùng văn hóa nổi bật với những con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực. Ngoài dòng họ Phạm Đăng với Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Thái hậu Từ Dũ nổi tiếng trong lịch sử, đây cũng là quê hương của Nhà văn Hồ Biểu Chánh, Sơn Vương…

Trong những năm 1925 - 1930, tại đây đã có Nhà xuất bản nữ lưu thơ quán của Phan Thị Bạch Vân nổi tiếng toàn quốc, tập hợp nhiều cây bút tiến bộ đương thời cổ động cho nữ giới mở mang học vấn và bảo vệ luân lý đạo đức. Đây cũng là quê hương của nữ sĩ Lê Thị Kim (nữ sĩ Manh Manh), của bà Cao Thị Khanh - Chủ bút tờ Phụ nữ tân văn…

Trải qua chiều dài lịch sử, vùng đất này đã có một gia tài di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương được kết tinh từ truyền thống hiếu học, quá trình lao động cần cù, sáng tạo của các bậc tiền nhân. Tiêu biểu về di sản văn hóa vật thể là Lăng Hoàng gia, nhà Đốc Phủ Hải, Miếu Võ Quốc Công (Võ Tánh), Đình Trung…

Di sản văn hóa phi vật thể có mắm tôm chà, điệu lý con sáo Gò Công, tủ thờ Gò Công; các lễ hội như Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội cúng Quan Thánh Đế của người Hoa, Lễ hội Đình Trung… hiện vẫn còn được lưu giữ và phát huy. Đây có lẽ là những nét văn hóa riêng biệt không phải vùng đất nào cũng có được. Đây cũng là tiền đề để TX. Gò Công bước tiếp trong chặng đường mới.

Những bậc cao niên ở đất Gò Công nói với chúng tôi rằng, để có được diện mạo như ngày nay, vùng đất này đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và là kết quả của những cuộc Nam tiến. Đó là vào khoảng đầu thế kỷ XVII đã có nhiều đoàn người từ vùng Thanh - Nghệ, Ngũ Quảng vượt biển vào Nam đến vùng đất Gò Công tập kết, trụ chân lập nghiệp đầu tiên.

Quá trình lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo của các thế hệ nối tiếp nhau, lưu dân người Việt đã từng bước biến một vùng đất hoang vu, nước độc, rừng thiêng, đầy thú dữ trở thành một vùng đất trù phú, “địa linh, nhân kiệt”. Một “Làng Thành Phố” xưa đã trải qua nhiều cung bậc khác nhau, nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, nhưng với vị thế ấy, vùng đất ấy vẫn bước tiếp trên những hành trình mới.

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

 

.
.
.