Thứ Năm, 07/09/2023, 20:19 (GMT+7)
.

Các doanh nghiệp dệt may, thủy sản tận dụng cơ hội từ các FTA

(ABO) Ngày 7-9, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) tổ chức “Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, dệt may về kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA thế hệ mới tại tỉnh Tiền Giang”.

Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh; Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu thủy sản, dệt may trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh trình bày về định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đại diện các doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may cũng đã trình bày các vấn đề khó khăn tồn tại, như: Quy trình sản xuất, vốn và công nghệ; tìm hiểu các quy định và tiếp cận thị trường xuất khẩu FTA; xây dựng thương hiệu và các vấn đề khó khăn khác trong đất đai, hải quan, tín dụng, logistics...

Năm 2022, sản lượng xuất khẩu thủy sản của tỉnh Tiền Giang đạt 113.331 tấn, tăng 13,48% so cùng kỳ; với giá trị xuất khẩu 385,64 triệu USD, tăng 56,12% so cùng kỳ. Trong 8 tháng năm 2023, sản lượng xuất khẩu ước đạt 129.256 tấn, tăng 71,6% so cùng kỳ; với trị giá xuất khẩu 396 triệu USD, tăng 51,2% so cùng kỳ. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra phi lê (chiếm 85%), còn lại là các thủy sản khác như nghêu, sò, mực, ếch, thủy sản đóng hộp, chả cá.

Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn, chủ động khoảng 80% sản lượng nguyên liệu. Hàng hóa xuất khẩu thủy sản đến trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hàng hóa thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Brazil, Canada, Hà Lan, Anh, Bỉ, Úc... 

Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản như cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con, cá tra xẻ bướm, cá đông lạnh, ghẹ đóng hộp, cá mòi, chả cá, chả cá surimi, cá tra sushi, cá tra sashimi,… Các mặt hàng xuất khẩu như cá tra vẫn duy trì ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh phát biểu tại hội thảo.

Đối với lĩnh vực dệt may, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 569 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ; trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 468 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ do thị trường chính xuất khẩu của nước ta tại Hoa Kỳ và EU lạm phát đã hạ nhiệt. Các doanh nghiệp may vẫn duy trì ổn định đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU là nhờ các doanh nghiệp chấp nhận đơn hàng với biên độ lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và giữ chân công nhân. Ngoài 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và EU, xuất khẩu dệt may của tỉnh Tiền Giang còn xuất khẩu qua thị trường Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc…

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, việc ký kết các FTA đã mở ra nhiều cơ hội, song đi liền với đó là không ít khó khăn, thách thức. Việc tổ chức hội thảo nhằm mục đích đánh giá các vấn đề mà doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may của tỉnh Tiền Giang đang gặp phải trong quá trình tận dụng các FTA. Nêu ra các cơ hội, thách thức đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng trong thời gian tới khi Việt Nam thực thi và tham gia nhiều hơn các FTA thế hệ mới.

LÝ OANH

 

 

.
.
.