Thứ Sáu, 08/09/2023, 11:14 (GMT+7)
.
CÁC HUYỆN, THỊ PHÍA ĐÔNG TỈNH TIỀN GIANG:

Không cắt vụ thu đông, lúa đông xuân nguy cơ "vướng" mặn

Dù đã được tuyên truyền, vận động nên cắt vụ lúa thu đông, nhưng nhiều nông dân tại huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang vẫn xuống giống.

KHÔNG TUÂN THỦ KHUYẾN CÁO

Để triển khai sản xuất nông nghiệp phù hợp với công tác phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, UBND tỉnh đã có Công văn 4935 ngày 14-7-2023. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng là yêu cầu kiên quyết cắt vụ lúa thu đông ở các huyện phía Đông.

Làm đất để gieo sạ lúa  vụ thu đông ở xã Bình Tân.
Làm đất để gieo sạ lúa vụ thu đông ở xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây.

Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn, mặn cho khu vực phía Đông của tỉnh trong những năm qua. Thực tế cho thấy, với giải pháp cắt vụ, từ sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019 - 2020, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực phía Đông không bị thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, những ngày qua, tại nhiều xã trên địa bàn của huyện Gò Công Tây như: Long Bình, Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Đồng Thạnh, Bình Phú, Thành Công…, sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ, đã tranh thủ xuống giống lúa thu đông.

Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm ông Dương Tấn Rạng (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) vừa thu hoạch xong 2,5 công lúa giống OM5451. Theo ông Rạng, do ở gần kinh Tham Thu nên vụ thu đông năm nay, ông sẽ tiếp tục gieo sạ. Sau khi thuê máy cuộn rơm xong, ông sẽ tranh thủ gieo sạ lúa vụ thu đông trong thời gian sớm nhất với giống lúa OM5451. Đây là giống lúa ngắn ngày sẽ rút ngắn được thời gian vụ lúa thu đông. Khi đó, gia đình ông sẽ chủ động đẩy nhanh thời gian xuống giống vụ lúa đông xuân, nhằm đảm bảo nguồn nước sản xuất.

Do ở gần kinh 14, có nguồn nước dồi dào nên năm nay, gia đình anh Nguyễn Ngọc Trí (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) cũng quyết định tiếp tục xuống giống lúa vụ thu đông. Theo ông Trí, vụ thu đông năm nay, 5 công đất được anh thuê lại sẽ gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8.

 Ông Trí gieo sạ lúa thu đông do ruộng ở gần kinh lớn.
Ông Trí gieo sạ lúa thu đông do ruộng ở gần kinh lớn.

Anh Trí cho biết: “Năm rồi, gia đình tôi cũng không cắt vụ lúa thu đông, sản xuất 3 vụ/năm, nhưng vụ đông xuân không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Năm nay, dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhiều, nhưng tôi cũng như nhiều nông dân nơi đây vẫn quyết gieo sạ vụ thu đông. Bởi phần ruộng thuê này nằm cặp kinh 14, nguồn nước dồi dào nên đỡ lo thiếu nước hơn những khu vực khác. Thêm vào đó, làm ruộng có 3 vụ lúa/năm nếu ngưng làm 1 vụ sẽ không có thu nhập”.

Tại TX. Gò Công, thời điểm này, nông dân ở các xã như: Bình Xuân, Tân Trung, Long Chánh… đang tiến hành giống giống vụ lúa thu đông. Lúc chúng tôi đến cũng là lúc ông Trần Văn Thanh (xã Long Chánh, TX. Gò Công) đang bón phân cho ruộng lúa gieo sạ được 5 ngày.

Ông Thanh cho biết, 4 công đất của gia đình vụ này tiếp tục gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8. Theo ông Thanh, gia đình ông đã được chính quyền tuyên truyền, vận động cắt vụ lúa thu đông do dự báo xâm nhập mặn mùa khô tới đây sẽ gay gắt.

Tuy nhiên, ông cũng như nhiều nông dân xung quanh không đồng thuận. Bởi theo ông Thanh, nếu cắt vụ lúa thu đông thì những tháng đất “nghỉ” cũng không trồng cây gì khác, cỏ mọc lên lại phải tốn tiền phun thuốc xịt cỏ; trong khi đó, tiền hỗ trợ cũng chỉ có 200.000 đồng/công. “Hiện giá lúa đang tăng cao nên tôi quyết định xuống giống vụ lúa thu đông. Làm lúa mỗi năm có 3 vụ mà bỏ bớt 1 vụ thì tiếc lắm, thôi thì tới đâu hay tới đó” - ông Thanh chia sẻ.

NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG LỊCH THỜI VỤ ĐÔNG XUÂN

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nông dân phía Đông không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ lúa thu đông. Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, thời gian qua, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận đồng người dân cắt vụ lúa thu đông để đảm bảo vụ đông xuân xuống giống sớm “né” hạn, mặn, nhưng nông dân chưa đồng thuận cao. Hiện thị xã đang tiến hành rà soát những diện tích đã xuống giống vụ lúa thu đông. Đồng thời, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện khuyến cáo cắt vụ của ngành Nông nghiệp.

Còn theo lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây, hiện người dân trên địa bàn xuống giống lúa thu đông rất nhiều, dù địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân cắt vụ rất nhiều. Nông dân vẫn kiên quyết xuống giống và chấp nhận rủi ro trong vụ đông xuân. Năm nay, giá lúa tăng cao; thêm vào đó, những ngày qua mưa nhiều, nguồn nước phục vụ sản xuất ổn định nên nhiều nông dân đã gieo sạ vụ lúa thu đông.

Trong một cuộc họp mới đây của UBND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nếu nông dân vẫn gieo sạ vụ lúa thu đông thì vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 phải xuống giống vào thời điểm tháng 12-2023. Điều này không đảm bảo cho công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 - 2024.

Theo Công văn 4935, để đảm bảo sản xuất cây trồng an toàn, ứng phó tốt với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai nhiều giải pháp.

UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp công trình và phi công trình trong phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất theo khuyến cáo của ngành NN&PTNT, tập trung các giải pháp gồm: Quản lý tốt lịch thời vụ sản xuất, tuyệt đối không để người dân xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024 sau lịch khuyến cáo của ngành NN&PTNT; theo dõi chặt chẽ tiến độ xuống giống, kịp thời đề xuất các giải pháp để quản lý lịch thời vụ trong thời gian tới.

Riêng đối với các huyện, thị xã phía Đông, kiên quyết thực hiện cắt vụ toàn bộ vụ lúa thu đông năm 2023 theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” để xuống giống vụ lúa đông xuân năm 2023 - 2024 sớm, đảm bảo an toàn…

Những năm gần đây, hầu hết những thông tin dự báo của các cơ quan Khí tượng thủy văn rất chính xác. Năm nay, dự báo mưa sẽ ít, kết thúc sớm và không có mưa trái mùa. Như vậy, mùa khô năm sau, theo dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn, khả năng mặn đến sớm hơn, có thể tương đương năm 2015 - 2016, thậm chí có thể bằng năm 2020. Do đó, để sản xuất vụ lúa đông xuân ăn chắc phải kiên quyết cắt vụ lúa thu đông.

Trao đổi với phóng viên về việc nhiều nông dân không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ lúa thu đông, một lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, nếu xuống giống vụ lúa thu đông như hiện nay thì khả năng vụ đông xuân sẽ bị ảnh hưởng. Để tránh ảnh hưởng hạn, mặn, ngành Nông nghiệp khuyến cáo cắt vụ lúa thu đông để sản xuất vụ đông xuân ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay, nguyên nhân khách quan do giá lúa tăng cao nên người dân đã xuống giống vụ lúa thu đông. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cắt vụ lúa thu đông và có báo báo tỉnh về tình hình xuống giống lúa thu đông không theo khuyến cáo.

T.Đ

.
.
.