Thứ Tư, 13/09/2023, 09:31 (GMT+7)
.

Đê biển Gò Công: "Pháo đài" vững chắc bảo vệ sản xuất của người dân

(ABO) Đê biển Gò Công (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) có chiều dài 21 km, trong những năm qua được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đê. Đến nay, công trình cơ bản đã hoàn thành, đê biển Gò Công có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống lụt, bão; không chỉ là tuyến giao thông trọng yếu ven biển, mà còn làm thay đổi diện mạo vùng quê ven biển Gò Công.

Đê biển Gò Công được hình thành cách đây 70 năm, có chiều dài khoảng 21 km từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Đê biển Gò Công trước đây là tuyến đê đất nhỏ hẹp có nhiệm vụ ngăn không cho nước biển tràn vào nội đồng. Qua thời gian, mặt đê bị xâm thực, bào mòn, triều cường tràn qua gây thiệt hại trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước đây vài năm, mỗi khi bão về, Tiền Giang phải điều động lực lượng ứng trực để bảo vệ đê, phòng ngừa vỡ đê.

Toàn bộ mặt đê biển Gò Công đã được bê tông hóa, nhựa hóa
Toàn bộ mặt đê biển Gò Công đã được bê tông hóa, nhựa hóa

Được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hoàn thành cứng hóa mặt đê, kè mái đê biển với chiều dài trên 11 km và thực hiện kè chắn sóng 5.400 m nhằm chống xói lở. Hiện nay, toàn bộ mặt đê biển Gò Công đã được bê tông hóa, nhựa hóa với chiều ngang từ 6 đến 7 m, có chiều cao hơn 4,2 m và có khả năng chống chịu bão cấp 9.

Từ khi thực hiện Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công, hiện nay không còn xảy ra tình trạng nước biển tràn vào ruộng đồng, cuộc sống, sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân vùng Ngọt hóa Gò Công đã được an toàn. Đê biển Gò Công hôm nay không chỉ là "pháo đài" vững chắc ngăn nước biển dâng tràn, mà còn là tuyến đường giao thông ven biển có khả năng phục vụ các phương tiện có tải trọng dưới 10 tấn.

người dân huyện Gò Công Đông rất an tâm xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ven đê.
Người dân huyện Gò Công Đông an tâm xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven đê.

Khi đê biển được xây dựng hoàn thành khang trang, sạch đẹp, người dân huyện Gò Công Đông rất an tâm xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven đê.

Thời gian gần đây, một số mô hình phát triển du lịch sinh thái tự phát mọc lên tại đê biển Gò Công thuộc địa bàn các xã Tân Thành, Tân Điền và Kiểng Phước đã thu hút rất đông người dân và du khách đến trải nghiệm như: Cào nghêu ven biển, thả diều nghệ thuật…

Thế nhưng, hầu hết các điểm du lịch sinh thái tự phát nêu trên đều đầu tư xây dựng không phù với quy hoạch sử dụng đất. Hướng tới, UBND huyện sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái đê biển Gò Công nhằm vực dậy phát triển du lịch phía Đông của tỉnh.

Du khách trải nghiệm cào nghêu ven biển
Du khách trải nghiệm cào nghêu ven biển.
Người dân xem thả diều nghệ thuật tại khu đê biển Gò Công
Người dân xem thả diều nghệ thuật tại khu đê biển Gò Công.

Đê biển Gò Công không chỉ làm thay đổi diện mạo vùng quê, mà còn là "pháo đài" vững chắc trong công tác phòng, chống lụt, bão giúp cho hàng chục ngàn hộ dân vùng Ngọt hóa Gò Công được ổn định cuộc sống trước thiên tai và biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, góp phần giúp huyện Gò Công Đông phát triển bền vững.

L.OANH - Q. TOÀN

 

 

.
.
.