Giá lúa tăng cao, nông dân phấn khởi, doanh nghiệp dè dặt
Những ngày qua, giá lúa đi ngang và duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo có xu hướng chậm lại.
GIÁ LÚA VẪN Ở MỨC CAO
Thời gian gần đây, giá lúa - gạo tăng cao chưa từng có trong khoảng 10 năm qua. Việc Ấn Độ cùng một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao kéo theo giá lúa - gạo trong nước biến động. Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa - gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng “nóng bỏng” không kém.
Thời điểm này, nông dân tại các huyện phía Đông của tỉnh bước vào cuối vụ lúa hè thu. Tại huyện Gò Công Đông, những ngày qua, do mưa nhiều nên tiến độ thu hoạch lúa bị ảnh hưởng. Vụ hè thu năm nay, 2,5 công đất của gia đình ông Nguyễn Văn Chín (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) gieo sạ giống lúa thường. Do mưa liên tục nên việc thu hoạch chậm hơn so với kế hoạch.
“Vụ này giá lúa cao hơn những vụ trước khoảng 2.000 đồng/kg. Năng suất lúa thấp, nhưng bù lại giá cao, nên sau khi trừ chi phí và tiền thuê đất, tôi có lời khá, trung bình lời hơn 1 triệu đồng/công” - ông Chín chia sẻ.
Xuất khẩu gạo hiện tương đối chậm lại do giá quá cao. |
Còn tại TX. Gò Công, thời điểm này đã là cuối vụ lúa hè thu, những diện tích còn lại đang được nông dân khẩn trương thu hoạch. Vụ hè thu năm nay, bà Phạm Thị Quyên canh tác 4 công đất gieo sạ giống lúa thơm RTV tại xã Long Hòa, TX. Gò Công. “Vụ đông xuân vừa qua, giống lúa RVT có giá khoảng 7.100 đồng/kg, nhưng vụ này tăng lên đến 8.300 đồng/kg. Với giá lúa này, nông dân có lãi hơn những vụ trước” - bà Quyên cho biết.
Không riêng gì các giống lúa cao sản, vụ hè thu năm nay, giá các loại lúa thường cũng tăng mạnh nên nông dân rất phấn khởi. Vụ hè thu năm nay, 2,5 công đất của gia đình ông Dương Tấn Rạng (ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) gieo sạ giống lúa OM5451. Theo ông Rạng, vụ lúa này, ông thu hoạch được 1,5 tấn, bán với giá 7.800 đồng/kg. “Giá lúa tăng cao nên vụ hè thu năm nay, tôi lời khá. Đây là năm lúa có giá cao nhất từ trước đến nay” - ông Rạng phấn khởi nói.
Theo một thương lái chuyên thu mua lúa tại khu vực Gò Công, vụ hè thu năm nay, giá lúa cao nhất từ trước đến nay. Hiện lúa Đài Thơm 8 tại khu vực này có giá 8.000 đồng/kg, lúa thường khoảng 7.600 - 7.800 đồng/kg. “Mấy ngày qua, mưa nhiều nên thương lái mua lúa giảm khoảng 100 - 200 đồng/kg do độ ẩm cao, chứ không phải giá lúa giảm. Tuy nhiên, nhìn chung, giá lúa vẫn duy trì ở mức cao” -
thương lái này cho biết.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa tăng mạnh. Hiện các doanh nghiệp (DN) thu mua lúa gạo từ 7.500 - 8.800 đồng/kg tùy theo giống.
XUẤT KHẨU GẠO CHẬM LẠI
Nông dân đang rất phấn khởi trước giá lúa đang ở mức cao. Tuy nhiên, đối với các DN, việc giá lúa tăng cao chưa phải là chuyện mừng. Bởi giá lúa tăng cao đồng nghĩa với việc rủi ro lớn do diễn biến khó lường của thị trường lúa - gạo.
Theo một DN chuyên cung ứng gạo trong nước tại khu vực Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè), những ngày qua, giá gạo đã giảm khoảng 600 - 700 đồng/kg so với lúc đỉnh điểm, do DN xuất khẩu gạo ngưng “ăn hàng”.
Giá lúa vẫn duy trì ở mức cao. |
Trên thực tế, hiện giá lúa - gạo tại thị trường nội địa vẫn khá cao khiến DN không dám mua vì nguy cơ thua lỗ lớn. Chính điều này khiến nhiều DN dè dặt trong việc mua và bán. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) cho biết, hiện tình hình xuất khẩu gạo chậm lại do giá lúa - gạo quá cao, nhiều nước chưa mua gạo.
Mặt khác, một số nước đã đặt hàng rào bằng cách áp giá trần gạo. Trong đó, Philippines là nước nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất hiện cũng đã áp giá trần gạo. “Khoảng 1 tuần nay, thị trường xuất khẩu êm êm trở lại và giá gạo có hướng giảm (khoảng 5 - 10 USD/tấn).
Bây giờ thị trường nào nhu cầu cần gấp lắm mới mua, còn không gấp thì cũng chưa mua do giá gạo cao quá. Những ngày qua, hợp đồng xuất khẩu ngày càng ít đi. Lúa trên đồng không còn nhiều nên cũng không có ai dám ký hợp đồng nhiều.
Các DN cũng không dám mua dự trữ nhiều do ngại giá lúa - gạo sẽ biến động. Hiện các DN mua và bán đều dè dặt. DN không dám bán nhiều, bởi bán rồi không mua vào được; còn mua vào giá cao quá sợ bán ra không được, nên thị trường trầm lắng”
Với góc độ DN, ông Đôn dự báo trong thời gian tới, giá gạo sẽ khó giảm do không còn hàng. Giá gạo vẫn sẽ ở mức cao, nhưng cũng không có hy vọng sẽ tăng nhiều. “Từ năm 2008 đến nay, đây là năm giá gạo cao nhất. Giá gạo bình ổn thì DN dễ làm, còn giá kiểu này rất khó làm do rủi ro cao” - ông Đôn chia sẻ.
ANH THƯ