Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giảm nghèo bền vững
(ABO) Trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cây thanh long trên đất Gò Công |
Gò Công Đông là huyện cuối nguồn ngọt hóa Gò Công và tiếp giáp biển nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH như: Hạn hán, xâm nhập mặn, bão nhiều hơn các địa phương khác trong vùng...
Để sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, giải pháp trọng tâm hiện nay của huyện là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng xây dựng mô hình Cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH.
Trong đó, ngành Nông nghiệp huyện đang tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.
Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận, học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, tác động tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện các mô hình trình diễn như: Luân canh cây bắp trên nền đất lúa gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ở xã Tân Phước; trồng cây bí đỏ trên nền đất lúa sử dụng phân hữu cơ thích nghi biến đổi khí hậu theo hướng sản xuất hữu cơ tại xã Gia Thuận; trồng cỏ giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt làm thức ăn gia súc lớn tại xã Kiểng Phước... Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao được người dân đón nhận và nhân rộng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, đến nay, toàn huyện đã có cắt vụ hơn 29.000 ha, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.790 ha lúa sang các loại cây ăn quả như: Thanh long, dừa, nhãn, bưởi...; trồng rau màu chuyên canh các loại.
Trong năm 2023, huyện dự kiến sẽ chuyển đổi 165 ha cây hằng năm, 102 ha cây lâu năm (cây ăn quả). Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Tiền Giang là 24.000 ha với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng, chuyển đổi là 901 ha với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
“Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên” - đồng chí Nguyễn Văn Quí thông tin thêm.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa thích ứng BĐKH không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của BĐKH. Đồng thời, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
HẢI QUÂN - Ý PHƯƠNG