.

Huyện Tân Phước: Trợ lực để hợp tác xã phát triển

Cập nhật: 09:01, 04/09/2023 (GMT+7)

Để giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai các giải pháp củng cố, nâng chất HTX.

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Những năm qua, phong trào kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Tân Phước tiếp tục được quan tâm bằng nhiều biện pháp, giải pháp, tạo điều kiện để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được những kết quả khả quan.

Huyện Tân Phước tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển.
Huyện Tân Phước tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các HTX phát triển.

Hiện nay, toàn huyện có 16 HTX đang hoạt động. Tổng số thành viên của HTX là 2.300 thành viên. Trên lĩnh vực nông nghiệp có 15 HTX hoạt động; lĩnh vực vận tải có 1 HTX và lĩnh vực công nghiệp có 1 HTX. Theo UBND huyện Tân Phước, thời gian qua, các HTX đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Trên địa bàn huyện hiện có 9/15 HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm chủ lực là: HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, HTX Nông nghiệp Tân Phước Xanh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước, HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Tây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Minh - Tân Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Tân Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thạnh và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Thành.

Theo UBND huyện Tân Phước, bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực KTTT, HTX của huyện vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, một số HTX hoạt động chưa hiệu quả. Năng lực, quản lý điều hành kém, chưa xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể nên khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, hỗ trợ hạ tầng. Phần lớn các HTX trên địa bàn huyện đang hoạt động với phương thức nhỏ lẻ, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Năng lực, trình độ của bộ máy quản lý mà cụ thể là các HTX nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học - kỹ thuật còn rất hạn chế. Lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như: Tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với các HTX nông nghiệp, nguồn vốn hoạt động của HTX còn thấp trong khi hầu hết các HTX rất khó khăn về vay vốn ngân hàng vì HTX không có tài sản thế chấp bằng đất đai. Điều này làm cho quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ gặp nhiều khó khăn, không mở rộng được dịch vụ, hiệu quả hoạt động không cao. Khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho thành viên gặp nhiều thiếu sót nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để nắm bắt kịp xu thế của thị trường, dễ dàng tìm kiếm đối tác cung ứng các sản phẩm nông sản, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thạnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước Xanh và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước đã có sản phẩm sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn (VietGAP).

Theo đánh giá của UBND huyện Tân Phước, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đổi mới nâng cao hiệu quả phát triển KTTT huyện đã làm tốt công tác hỗ trợ cho các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh. Thông qua các chính sách hỗ trợ, các HTX được hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tham gia mô hình Cánh đồng lớn, mô hình Liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến theo mô hình HTX kiểu mới.

Từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động của kinh tế thành viên. Điều này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, góp phần xóa khó giảm nghèo, an sinh xã hội của huyện, tích cực cùng chính quyền cấp xã xây dựng nông thôn mới.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ HTX

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phước, để công tác quản lý nhà nước về KTTT trong thời gian tới đạt kết quả cao, địa phương sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT đến mọi tầng lớp nhân dân. Một trong những giải pháp quan trọng là tiến hành tổng kết các mô hình HTX có hiệu quả, để phổ biến nhân rộng. Đồng thời, tổ chức tham quan các HTX điển hình tiên tiến, hoạt động có hiệu quả làm cho người dân tin tưởng mà tự nguyện tham gia vào HTX.

Sơ chế khóm tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng.
Sơ chế khóm tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng.

Huyện sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT, củng cố Ban Chỉ đạo Đổi mới nâng cao hiệu quả phát triển KTTT các cấp, đặc biệt là cấp xã; phân công cán bộ có năng lực, có tâm, có tầm phụ trách nhằm hỗ trợ cho các HTX trong việc định hướng các chiến lược phát triển.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất cán bộ lãnh đạo HTX để có đủ kiến thức, tầm nhìn đề ra các chương trình, kế hoạch sản xuất hiệu quả, khoa học, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của từng thành viên trong HTX. Tiếp tục củng cố và nâng chất hoạt động của các HTX, từ đó sẽ phân loại ra HTX nào hoạt động có hiệu quả, HTX nào hoạt động kém hiệu quả, để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng HTX.

Để trợ lực cho các HTX, huyện Tân Phước sẽ tiếp tục triển khai bố trí nguồn lực, kinh phí đầu tư hạ tầng giúp HTX mở rộng nhà sơ chế đóng gói, tiếp cận các chính sách hỗ trợ để mở rộng liên kết sản xuất. Ngoài ra, địa phương sẽ ban hành các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.

T. ĐẠT

.
.
.