Duy trì nét đặc trưng hệ sinh thái ngập nước chua phèn
Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười nằm trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Khu Bảo tồn), được thành lập vào năm 2000 để bảo tồn cảnh quan và sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập phèn. Thời gian qua, việc vùng đệm Khu Bảo tồn bị thu hẹp dần được nhiều người quan tâm.
“NHÀ” CỦA NHIỀU LOÀI CHIM QUÝ
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực tế tại Khu Bảo tồn. |
Khu Bảo tồn được thành lập với diện tích vùng lõi là 106,8 ha; có nhiệm vụ quy tập và bảo tồn các loài động, thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười; tổ chức nghiên cứu, quản lý, bảo vệ, bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái rừng tràm ngập nước chua phèn đặc trưng, các sinh cảnh rừng, các nguồn gen quý của các loài động, thực vật, bảo vệ và nhân lên về số lượng các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua 23 năm, Khu Bảo tồn đã duy trì bảo vệ 57 ha rừng tràm tập trung cùng với 6.030 cây bản địa các loại làm nơi trú ngụ sinh sản cho các loài chim nước và các loài động vật.
Theo Giám đốc Khu Bảo tồn Nguyễn Văn Viên, Khu Bảo tồn đã quy tập được trên 12.000 con chim, cò trú ngụ sinh sản như: Cò trắng, cò ngàn, le le, vịt trời, diệc xám, điên điển, trích, quốc...; đặc biệt là các loài chim, thú quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: Mèo rừng, rùa núi vàng, cần đước, giang sen, già đẫy; các loại lớp thú, bò sát và các loài chim thú đặt trưng của vùng Đồng Tháp Mười như: Trăn gấm, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, mèo rừng, chồn hương, heo rừng, nhím...
Ngoài thu thập bảo tồn, Khu Bảo tồn còn quy tập các loài quý hiếm đem về nuôi dưỡng cho sinh sản để nhân số lượng giống loài, sau đó thả phóng thích ra tự nhiên. Nhiều loại đã sinh sản và ấp nở thành công trong môi trường nuôi nhốt như: Rùa núi vàng, cần đước, giang sen, nhím, heo rừng, cá sấu... nhằm nhân lên số lượng cá thể trên một loài.
SẼ MỞ RỘNG VÙNG ĐỆM
Hiện nay, vùng đệm Khu Bảo tồn ngày càng bị thu hẹp do phá rừng tràm trồng lúa, khóm, rau màu các loại. Trước đây, khu vùng đệm khoảng 1.280 ha, đến nay phần diện tích huyện Tân Phước quản lý chỉ còn dưới 100 ha rừng tràm, số còn lại đã chuyển qua các loại cây trồng khác. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái của vùng, các loài động, thực vật bản địa bị đe dọa nghiêm trọng, sự sinh trưởng, sinh sản của các loài chim, cò… trước nguy cơ bị tuyệt chủng do môi trường sinh sống bị thu hẹp.
Khu Bảo tồn có cảnh quan đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước chua phèn. |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, việc mở rộng Khu Bảo tồn là rất cần thiết để duy trì nét đặc trưng hệ sinh thái ngập nước chua phèn của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ các loài động, thực vật bản địa, tạo điểm tham quan, nghiên cứu cho các thế hệ sau.
Sau khi thành lập, Khu Bảo tồn đã được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho công tác bảo tồn như: Khoan giếng tầng sâu để cung cấp nước ngọt; hệ thống đường nội bộ để tuần tra; kinh vành đai, đường vành đai nhằm cách ly vùng lõi với bên ngoài, ngăn lửa; 2 cống ngăn lũ giúp điều tiết nước trong khu trung tâm. Trong đó, Khu Bảo tồn gồm nhiều công trình phục vụ công tác bảo tồn như sân chim (4 ha) để thả chim mồi dẫn dụ chim nước về trú ngụ sinh sản; quy tập trồng cây bản địa. Chuồng thú tổng hợp là nơi để chăm sóc, nuôi dưỡng các loài chim, thú quý hiếm mà ngoài tự nhiên không có hoặc có với số lượng ít. |
Vừa qua, Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đến khảo sát thực tế tại Khu Bảo tồn và vùng đệm. Phát biểu sau buổi khảo sát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho rằng, việc giữ lại vùng đệm là hợp lý và sẽ tiếp tục xem xét bảo vệ duy trì, phát triển vùng đệm Khu Bảo tồn; bởi vì nếu xóa vùng đệm đồng nghĩa với việc mất đi vùng sinh thái.
UBND tỉnh cũng đã có chủ trương quy hoạch vùng đệm Khu Bảo tồn. Theo Đồ án Quy hoạch phân khu vùng đệm Khu Bảo tồn được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 28-8-2020, Khu Bảo tồn có tổng diện tích 350,8 ha, bao gồm Khu Bảo tồn hiện hữu (106,8 ha), mở rộng về phía Bắc (66 ha), mở rộng về phía Nam (54 ha) và mở rộng về phía Đông (124 ha).
Khu Bảo tồn hiện nay đã quy tập được hơn 12.000 chim, cò với nhiều loài quý hiếm. |
Theo đó, phân kỳ thực hiện: Giai đoạn I mở rộng về phía Bắc (66 ha), mở rộng về phía Nam (54 ha); giai đoạn II mở rộng về phía Đông (124 ha). Đồ án phân chia các khu chức năng: Khu thương mại - dịch vụ công cộng, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu cây xanh - mặt nước, khu bảo tồn nông cụ, khu văn nghệ Nam bộ, khu phục hồi sinh vật cảnh, khu sân chim, khu hạ tầng - phụ trợ, hành lang cư trú sinh vật.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, Sở NN&PTNT cần mạnh dạn đề xuất các phương án nâng cấp, sửa chữa Khu Bảo tồn. Bên cạnh đó, huyện Tân Phước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân để thực hiện hiệu quả công tác mở rộng sau này. Công tác bảo tồn phải thực hiện sao cho thật bền vững, tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư khai thác du lịch.
CAO THẮNG