Thứ Tư, 20/09/2023, 09:52 (GMT+7)
.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa - gạo

Việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018 ngày 5-8-2018 của Chính phủ và Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Tiền Giang đã phát huy hiệu quả tích cực, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa - gạo.

Thu hoạch lúa ở huyện Gò Công Tây.
Thu hoạch lúa ở huyện Gò Công Tây.

Một trong những chuyển biến tích cực trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thể hiện rõ ở một số hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình là chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) với quy mô gần 35 ha/56 hộ. Đây cũng là dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Gò Công Tây.

Theo đó, ngày 21-8-2020, UBND huyện Gò Công Tây ban hành Quyết định 867 về phê duyệt kế hoạch thực hiện, với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng; trong đó, số tiền hỗ trợ hơn 584 triệu đồng và phần còn lại là đối ứng của nông dân.

Thực hiện mối liên kết này, nông dân tham gia được hỗ trợ hơn 4,7 triệu đồng/ha sản xuất lúa hàng hóa và hơn 4,8 triệu đồng/ha sản xuất lúa giống. Tham gia thực hiện liên kết, nông dân được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác và bao tiêu 100% sản phẩm lúa cho Công ty TNHH Vinh Hiển và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Trong quá trình sản xuất, công ty sẽ đặt cọc trước cho nông dân 2 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch thanh toán hoàn tiền cọc lại.

Ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển cho biết, công ty thực hiện liên kết với gần 35 ha, thu mua 100% sản phẩm, với việc ấn định mức giá thu mua và hỗ trợ giống. Việc triển khai liên kết cũng đã thực hiện được khoảng 5 năm và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.

Đánh giá về hoạt động vừa qua, cũng như thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hưng Hòa Mai Văn Mai cho biết, tác động của thực hiện liên kết vừa qua là giúp cho HTX, doanh nghiệp và hộ sản xuất chuyển đổi cơ chế định giá thị trường sang cơ chế sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp và công bố giá mua cố định suốt vụ, có hợp đồng đặt cọc 2 triệu đồng/ha nên việc thực hiện hợp đồng 2 bên rất tốt.

Nông dân sản xuất lúa theo yêu cầu thị trường, biết trước giá bán, tính toán được lãi của vụ sản xuất, không lo về đầu ra tiêu thụ, không sợ chèn ép giá. Đây được xem là một chuỗi sản xuất theo kế hoạch có nhiều điểm tối ưu, là bước đầu cho việc thay đổi tư duy của người dân, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

“Từ những yếu tố tích cực đã giúp cho quy mô hoạt động của HTX ngày càng được mở rộng, phát triển thêm thành viên từ 21 lên 111, đặc biệt có Công ty TNHH Vinh Hiển là thành viên HTX, đã góp phần tăng vốn điều lệ từ 41 triệu đồng lên 105 triệu đồng. Lợi nhuận của HTX ngày càng tăng, thu nhập của thành viên được nâng cao…”- ông Mai Văn Mai cho biết.

TA

.
.
.