Thứ Bảy, 16/09/2023, 07:46 (GMT+7)
.

Lời giải nào cho "bài toán" cát xây dựng?

Với việc một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) siết chặt cấp phép khai thác cát, ưu tiên phục vụ các công trình trong tỉnh hoặc dự án giao thông trọng điểm, nguồn cát xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang khan hiếm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình.

NGUỒN CÁT KHAN HIẾM

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không còn mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Do đó, nguồn cát xây dựng, san lấp thời gian qua chủ yếu phụ thuộc từ nguồn khai thác ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp… và nhập khẩu từ Campuchia. Với việc các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang ưu tiên nguồn cát để cung cấp cho các dự án cao tốc và công trình trong tỉnh đã làm nguồn cát xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh càng thêm khan hiếm.

Nhiều công trình  xây dựng thiếu cát.
Nhiều công trình xây dựng thiếu cát.

Theo một chủ doanh nghiệp (DN) kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, hơn nửa tháng nay, hoạt động mua bán cát tại DN gần như bị ngưng do không có nguồn nhập cát. “Ở tỉnh Vĩnh Long có mỏ còn hoạt động nhưng không xuất bán cát cho tỉnh khác, ở An Giang cũng vậy. Mấy ngày nay, chúng tôi không có nguồn cát để mua” - chủ DN này cho biết.

Theo ghi nhận, hiện cát san lấp trên địa bàn tỉnh có giá khoảng 230.000 đồng/m3, cát xây dựng khoảng 320.000 đồng/m3, nhưng hầu hết các cửa hàng vật liệu xây dựng đều khan hàng. Hiện nay, nguồn cát xây dựng trên địa bàn tỉnh hầu hết được các cửa hàng vật liệu xây dựng nhập về từ Campuchia. Theo giám đốc một DN chuyên cung cấp vật liệu xây dựng tại TP. Mỹ Tho, hiện DN chỉ nhập nguồn cát từ Campuchia về để bán với giá 400.000 đồng/m3.

Nguồn cát này đảm bảo chất lượng và có chứng từ rõ ràng. “Hiện các vựa vật liệu xây dựng trên địa bàn không còn nguồn cát từ các mỏ khai thác trong khu vực để bán đã chuyển sang bán cát nhập khẩu từ Campuchia” - đại diện DN này cho biết.

TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH BỊ ẢNH HƯỞNG

Nguồn cát xây dựng, san lấp khan hiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công trình đang triển khai thi công. Theo đại diện Công ty TNHH Xây dựng K.K. (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè), DN cũng đang gặp khó khăn về nguồn cát, nhưng vẫn cố gắng thực hiện các công trình theo tiến độ.

“Trước khó khăn trên, DN chuyển qua làm việc khác để lách, bù lại phần tiến độ do nguồn cát chậm. Theo tôi, ở khu vực ĐBSCL, tỉnh nào khai thác cát được nên ủng hộ các tỉnh lân cận chia nhau lúc khó khăn” - đại diện Công ty TNHH Xây dựng K.K. cho biết.

Thiếu cát “làm khó” các công trình.
Thiếu cát “làm khó” các công trình.

Cùng chung khó khăn với nhiều nhà thầu, theo đại diện một nhà thầu thi công gói thầu cầu Chợ Gạo (thuộc Dự án Đường tỉnh 864), khó khăn về nguồn cát đang là câu chuyện chung của các công trình xây dựng. Ước tính công trình cần khoảng vài chục ngàn m3 cát để thực hiện. Thời gian qua, do nguồn cát khan hiếm, nên hầu hết cát mà đơn vị sử dụng đều nhập khẩu từ Campuchia.

Còn theo đại diện Công ty TNHH TM-DV-XD M.T., hiện nay, để có nguồn cát phục vụ thi công các công trình, DN phải lấy từ nhiều bãi khác nhau. DN đang thi công một đoạn tuyến nhỏ của một gói thầu thuộc Dự án Đường tỉnh 864. Do không có nguồn cát bơm, nên DN phải vận chuyển bằng xe với giá khoảng 250.000 - 260.000 đồng/m3.

“Hiện DN còn đang thi công hạng mục xây dựng tuyến đê Tây Nguyễn Tấn Thành thuộc Dự án Hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long. Hạng mục này còn vướng mặt bằng từ năm 2019 đến nay.

Trước đây, DN trúng thầu chỉ với giá 80.000 đồng/m3 cát, nhưng hiện giá cát đã lên trên 200 ngàn đồng/m3. DN còn khoảng 300 m tuyến đê cần thi công với khoảng 5.000 m3 cát. Dù giá cát cao, nhưng vẫn không có cát để bơm.

Trong khoảng 2,8 km của tuyến đê này, đến nay, DN đã làm được khoảng hơn 2,5 km, còn vướng mặt bằng hơn 200 m. Đến nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng được thêm hơn 100 m, nhưng cả tháng nay không có cát để bơm” - đại diện DN này nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thiếu cát là tình hình chung hiện nay. Các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư sử dụng cát không nhiều so với các công trình giao thông hoặc những dự án có nhu cầu cát cao.

Các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư, nguồn cung cát chỉ bị chậm chứ không bị thiếu. Từ đó, ít nhiều việc triển khai các công trình cũng bị chậm lại.

XEM XÉT CHO PHÉP KHAI THÁC MỎ CÁT TRỞ LẠI

Để đảm bảo nhu cầu xây dựng, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định 1757 ngày 7-8-2023 về việc phê duyệt Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025” (gọi tắt là Đề án).

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 62/2013 ngày 12-12-2013, trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,30 triệu m3, lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3. Qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng, tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh còn lại tại 35 khu vực mỏ khoảng 40,70 triệu m3.

Dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình đầu tư công trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp và các công trình, dự án, nhu cầu của nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 trên 27,049 triệu m3; dự kiến nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên toàn tỉnh Tiền Giang trên 3,38 triệu m3/năm.

Theo đó, Đề án đã đề xuất các mỏ dự kiến xem xét cấp phép khai thác không đấu giá giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025, bao gồm: 18/20 khu vực mỏ đã cấp giấy phép khai thác trước đây, bao gồm: An Nhơn (xã Tân Thanh và xã An Hữu, huyện Cái Bè), Hòa Hưng-6 (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), Hòa Hưng-5 (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), Mỹ Lương (xã Mỹ Lương và xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), Vàm Cái Thia (xã Mỹ Lương và xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè), Tân Phong 1 (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy)…. và 13/15 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, chưa cấp giấy phép khai thác, bao gồm: Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Cái Bè), Hòa Hưng-7 (xã Hòa Hưng, huyện  Cái Bè), Ngũ Hiệp-2 (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy), Kim Sơn (xã Kim Sơn và xã Phú Phong, huyện Châu Thành), Song Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành), Bình Đức (xã Bình Đức, huyện Châu Thành và xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho), Tân Thạnh-4 (xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông)...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ được khoanh định là khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm: Thân cát VII, chiều dài 10.000 m, rộng 302 m, từ xã Xuân Đông đến hết xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo; thân cát VIII, sông Cửa Tiểu, chiều dài 35,6 km, rộng 150 m từ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và các khu vực mỏ còn lại trên địa bàn tỉnh chưa cấp phép khai thác.

A.T

.
.
.