Thứ Tư, 06/09/2023, 09:29 (GMT+7)
.

Nhiều tín hiệu khả quan từ du lịch dịp nghỉ lễ 2/9

Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound của Việt Nam từ tháng 10 sắp tới.

a
Khách du lịch đến Phú Quốc - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng

Cục Du lịch Việt Nam cho biết, số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, như tại Đà Nẵng đón 78.900 lượt khách quốc tế; Hà Nội ước đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TPHCM ước đón 37.600 lượt (tăng 15% so với cùng kỳ); Khánh Hòa ước đón 23.450 lượt (tăng 363,34% so với cùng kỳ);… Trong đó, chủ yếu là khách mang các quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.

Hoạt động đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam đa dạng trên cả đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ. Như ngày 22/8/2023, tàu Spectrum of the Seas đã cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa hơn 4.000 khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch kỳ nghỉ lễ, đánh dấu sự phục hồi của ngành tàu biển quốc tế tại Việt Nam.

Cũng theo Cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, tour outbound (ra nước ngoài) đang chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa, lượng tour khởi hành và điểm đến rất đa dạng, đặc biệt ở các tuyến Đông Bắc Á như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)... Các tuyến Đông Nam Á phổ thông như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... chiếm ưu thế về giá và điểm đến đổi mới liên tục. Riêng các tuyến châu Âu, Mỹ… tiếp tục tăng khoảng 10%-15% so với mùa hè vì đã bắt đầu vào mùa đẹp nhất trong năm: Mùa thu và mùa lễ hội cuối năm.

Cục Du lịch cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có sự cố, vấn đề nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên cả nước. Hiện tượng tăng giá, ép giá hay chặt chém, lừa đảo du khách không diễn ra.

Xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch liên vùng đạt hiệu quả

Đối với hoạt động du lịch tại một số địa phương trọng điểm, để phục vụ chu đáo, đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm,… nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách. Một điểm sáng của năm nay là khách du lịch phía nam đã quan tâm, chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm tour ngắn ngày trải nghiệm mùa lúa chín, trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao tại các điểm đến ở khu vực Đông-Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Mộc Châu,… Điều này chứng tỏ hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch liên vùng đã bước đầu đi vào chiều sâu, có hiệu quả.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hoá tại một số điểm di tích như: Tại cao nguyên (Măng Đen, Kon Tum), dọc di sản miền Trung (Huế - Hội An) cũng đã và đang ghi nhận tín hiệu tích cực, thu hút được chủ yếu đối tượng khách du lịch gia đình, nhóm nhỏ. Đối với nhóm du khách lựa chọn loại hình du lịch "staycation" (du lịch ngay tại thành phố nơi sinh sống) hay "drivecation" (du lịch lái xe tự túc), sản phẩm được khách ưa chuộng nhất là tour tham quan di tích lịch sử, nổi bật là chùm tour Biệt động Sài Gòn - Thành uỷ UBND TPHCM, tour "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long"; tour Đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour trải nghiệm các điểm du lịch ở ngoại thành như làng cổ Bát Tràng, làng cổ ở Đường Lâm, phố đi bộ Sơn Tây (Hà Nội),…

Đồng thời, các địa phương đều có lễ hội, sự kiện nghệ thuật hưởng ứng kỳ nghỉ lễ, nổi bất nhất là Chương trình diễu hành "Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội lần thứ nhất năm 2023" tại các tuyến phố cổ, tuyến phố tập trung nhiều điểm du lịch tại Hà Nội, hay chùm chương trình nghệ thuật chào mừng 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phụ cận;…

Nhờ đó, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh/thành phố đều cơ bản tương đương so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương ghi nhận số lượng tăng khá, chủ yếu tập trung vào ngày mùng 1 và mùng 2/9.

TPHCM đón nhiều khách du lịch nhất

Về tổng lượt khách trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, TPHCM đang dẫn đầu cả nước, ước đón và phục vụ 960.000 lượt (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 80%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5,% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách (tăng 51% so với cùng kỳ 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).

Khánh Hoà ước đón và phục vụ 503.154 lượt khách (tăng 141% so với cùng kỳ). Công suất trung bình của cơ sở lưu trú du lịch đạt 68,69%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 662,121 tỷ đồng (tăng 114,91% so với cùng kỳ năm ngoái).

Bà Rịa – Vũng Tàu ước đón và phục vụ 502.865 lượt khách (tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất trung bình của cơ sở lưu trú du lịch đạt 80-85%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 275,722 tỷ đồng.

Thanh Hoá ước đón và phục vụ 328.000 lượt khách (tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022), công suất trung bình cơ sở lưu trú du lịch ước đạt trên 29%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 663 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ).

Quảng Ninh ước đón và phục vụ 318.000 lượt khách (đạt 150% so với cùng kỳ 2022), công suất phòng trung bình của khối khách sạn 4-5 sao đạt 80-100%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 665 tỷ đồng (đạt 134% so với cùng kỳ năm 2022).

Đà Nẵng ước đón và phục vụ khoảng 254.000 lượt khách (tăng 6,3% so với cùng kỳ). Công suất phòng trung bình đạt 50-55% (khối 4-5 sao đạt 60-65%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng.

Kiên Giang ước đón và phục vụ 126.690 lượt khách (giảm 32,9% so với cùng kỳ. Công suất trung bình của cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 27%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 153 tỷ đồng.

Lâm Đồng ước đón và phục vụ 120.000 lượt khách (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt khoảng 65 – 70%; công suất phòng các khách sạn từ 3 - 5 sao đạt khoảng 70-80%.

Bình Thuận ước đón và phục vụ 116.000 lượt khách (tăng 26% so với cùng kỳ 2022), công suất trung bình của cơ sở lưu trú du lịch đạt từ 70-90%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 290 tỷ đồng.

Theo Cục Du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, khởi sắc, tuy nhiên không hiệu quả, bùng nổ như các kỳ nghỉ trước trong năm. Riêng tại các khu, điểm du lịch, nhiều sự kiện diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo lượng khách tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các yêu cầu về bảo đảm trật tự, an ninh, các khu, điểm du lịch luôn tập trung chỉnh trang cảnh quan, trang trí các chủ đề gắn với Tết độc lập của dân tộc để thu hút du khách. Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, cùng với tiếp tục áp dụng chương trình kích cầu du lịch, chương trình siêu giảm giá,.. tập trung vào các sản phẩm du lịch đường thuỷ, mua sắm, lưu trú, thư giãn,...

Tuy nhiên, theo Cục Du lịch, dịp nghỉ lễ năm nay, một số địa phương trọng điểm du lịch không thu hút được lượng khách như kỳ vọng, dẫn tới lượng tổng lượng khách giảm so với cùng kỳ. Từ 1 đến hết 4/9, ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch. So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách năm nay giảm khoảng 16,7%. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55% (giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022), riêng hai ngày 1 và 2/9/2023 công suất đạt trên 60%.

Nguyên nhân là do một bộ phận khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống (staycation, drivecation). Bên cạnh đó, kỳ nghỉ 2/9 năm nay sát với Lễ Vu Lan và cận ngày tựu trường, đồng thời khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn về quê và sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.

Tổng thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm. Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước Lễ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn vào dịp Lễ và ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) tại khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến tàu tới các khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khách hủy tour, thay đổi lịch trình sang điểm đến khác. Khách du lịch nội địa có lưu trú trong nước giảm, do một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài.

Theo baochinhphu.vn


 

.
.
.